A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP HUYỆN KRÔNG NÔ BẮT NHỊP CHUYỂN ĐỔI SỐ

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, đồng thời là cơ hội, giải pháp mang tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội

Bằng nhiều phương pháp tuyên truyền, hiện nay, không những thay đổi về nhận thức, mà người dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Krông Nô đã chú trọng ứng dụng chuyển đổi số nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và trong các hoạt động phục vụ cuộc sống, từng bước bắt nhịp với xã hội đang ngày càng phát triển như hiện nay.

Chị Doãn Thị Vân chủ của hàng mỹ phẩm Queen Mart, Tổ dân phố 2 thị trấn Đăk Mâm chia sẻ: Trước sự phát triển của công nghệ 4.0, bên cạnh kinh doanh theo kiểu truyền thống, thời gian qua, chị Vân đã tận dụng những tiện ích công nghệ số vào các hoạt động kinh doanh, phát triển kênh bán hàng trên các trang mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee, Lazada nhằm mở rộng đối tương khách hàng. Để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc thanh toán, chị Doãn Thị Vân đã trang bị máy quét mã vạch, sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt chuyển khoản, quét mã, quẹt thẻ. Bên cạnh đó sử dụng ứng dụng quản lý bán hàng Sapô để quản lý hàng hoá, doanh thu cũng như quản lý thông tin khách hàng… Nhờ nhanh nhạy và bắt nhịp kịp thời chuyển đổi số nên việc kinh doanh khá thuận lợi.

Chị Vân đang sử dụng phần mềm quản lý hàng hoá trên máy tính

Hiện nay nhiều nông dân trên địa bàn huyện cũng đã tiếp cận, sử dụng thành thạo các nền tảng công nghệ số để nâng cao hiệu quả sản xuất. Theo đó họ đã biết cách sử dụng các nền tảng công nghệ số để tìm hiểu, nghiên cứu kiến thức, khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Chị Hoàng Thị Thu Hương một nông dân tại xã Đăk Drô cho biết: Nếu như trước đây, khi vào mùa vụ, muốn bán nông sản những người nông dân như chị chỉ biết trông chờ vào thương lái hoặc đại lý thu mua nông sản tại địa phương. Nhưng khi công nghệ số phát triển, chị có thể quảng bá sản phẩm của mình tại nhiều thị trường khác nhau, từ đó tạo cơ hội để lựa chọn đối tác bán hàng với giá cả hợp lý, lợi nhuận cũng gia tăng, hạn chế tình trạng tư thương ép giá.

Chị Hoàng Thị Thu Hương đóng gói nông sản gửi cho mối hàng ở TP.HCM

Đồng chí Nguyễn Xuân Danh – UV BTV huyện uỷ, Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Krông Nô cho biết: Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đưa chuyển đổi số trong các hoạt động của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả tích cực. Nhận thức của người dân về tầm quan trọng của chuyển đổi số đang từng bước được nâng cao, các nền tảng, ứng dụng công nghệ số, dịch vụ công trực tuyến được sử dụng, áp dụng vào thực tiễn ngày một nhiều, phục vụ đắc lực cho hoạt động sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Tính đến nay, huyện Krông Nô đã thành lập 12 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, 93 tổ công nghệ số cộng đồng thôn, tỷ lệ các thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng tham gia tập huấn đạt khoảng 65%; 100% doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn huyện sử dụng hóa đơn điện tử. Nhiều doanh nghiệp, HTX, cá nhân đã mạnh dạn đưa sản phẩm, nông sản bán tại các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hôi. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai hiệu quả với nhiều dịch vụ như: cước viễn thông, tiền điện, tiền nước.

Đ/C Nguyễn Xuân Danh – UV BTV huyện uỷ, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện phát biểu tại cuộc họp của UBND huyện về chuyển đổi số

        Để thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số, huyện Krông Nô tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai quyết liệt hơn công tác chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị, địa phương; đưa yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm. Các ngành triệt để sử dụng các sản phẩm phần mềm do bộ, ngành Trung ương đầu tư triển khai theo ngành dọc, bảo đảm đồng bộ, tích hợp. Bên cạnh đó, các ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục tập huấn, hướng dẫn cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng về các nền tảng số; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân về tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc chuyển đổi số, cũng như lộ trình xây dựng chính quyền số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số của huyện. Chú trọng công tác tập huấn và hướng dẫn người dân đặc biệt người dân tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số phục vụ sản xuất, kinh doanh thích ứng với chuyển đổi số góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số, đáp ứng yêu cầu phát triển như hiện nay.

                                                                                            Cẩm Xuyên - TTVHTT&TT


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 2
Hôm nay : 716
Năm 2024 : 649.806
Website huyện