A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị chuyên đề đánh giá kết quả CCHC và Hệ thống QLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 quý I và phương hướng nhiệm vụ quý II năm 2022.

Ngày 21/4/2022, UBND huyện Krông Nô đã tổ chức Hội nghị chuyên đề đánh giá kết quả cải cách hành chính và Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 quý I và phương hướng nhiệm vụ quý II năm 2022. Hội nghị do đồng chí Bùi Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND huyện chủ trì; tham dự Hội nghị có thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo Cải cách hành chính - ISO công chức phụ trách công tác cải cách hành chính - ISO tại UBND các xã, thị trấn.

 

Đồng chí Bùi Ngọc Sơn – PBT HU – Chủ tịch UBND huyện – Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC-ISO huyện phát biểu khai mạc Hội nghị

Trong năm 2021, UBND huyện, Ban chỉ đạo công tác CCHC - ISO, các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Krông Nô đã có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện tốt công tác CCHC, gắn với thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, áp dụng có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 phục vụ tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND huyện. Qua đó đã cơ bản xác định được các nhiệm vụ, chỉ số về CCHC đạt ở mức tương đối cao so với quy định của UBND tỉnh như:

Các chỉ số CCHC đạt tương đối cao: (1) Chỉ số Cải cách tài chính công đạt được 09/09 điểm (đạt 100%, xếp vị trí thứ 1); (2) Chỉ số về Công tác xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản QPPL năm 2021 là 8,5/9 (đạt 94,44%, xếp vị trí thứ 2); (3) Chỉ số cải cách tổ chức bộ máy hành chính đạt được 12,5/14 điểm (đạt 89,28%, xếp vị trí thứ 2); (4) Chỉ số hiện đại hóa nền hành chính đạt được 10,5/14 điểm (đạt 75%, xếp vị trí thứ 2); (5) Chỉ số xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đạt được 13.992/15 điểm (đạt 93,28%, xếp vị trí thứ 3).

Bên cạnh đó, một số chỉ số CCHC đạt thấp như: (1) Chỉ số về Công tác cải cách thủ tục hành chính đạt 15.389/20 điểm (đạt 76,945%, xếp vị trí thứ 7), (2) Chỉ số về Công tác chỉ đạo điều hành năm 2021 là: 14,5/18.5 điểm (đạt 78,4%, xếp vị trí thứ 4).

Quá trình triển khai thực hiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định như: Sự chủ động trong công tác nghiên cứu, tham mưu, đôn đốc của các cơ quan chuyên môn phụ trách các chỉ số, các lĩnh vực chưa cao; vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu chưa thể hiện đúng mức; còn có tình trạng phó thác cho cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện; trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính còn để sai sót, trễ hạn hoặc cán bộ, công chức cập nhật tiến độ giải quyết hồ sơ trên phần mềm một cửa điện tử chưa kịp thời; việc quản lý, khai thác các hệ thống phần mềm, các ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả chưa cao; công tác tuyên truyền đã quan tâm nhưng chưa thường xuyên; công tác tham mưu xây dựng triển khai các Kế hoạch chuyên đề thuộc các lĩnh vực chưa sát hoặc hiệu quả triển khai chưa cao; việc thực hiện các nhiệm vụ về phân cấp, phân quyền chưa thể hiện cụ thể kết quả kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm có liên quan; chưa tác động, nâng cao nhận thức của Nhân dân, cá nhân, doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện các dịch vụ công trực tuyến qua cổng dịch vụ công của tỉnh.

 

Đại diện các cơ quan, đơn vị phát biểu, thảo luận tại Hội nghị

Sau khi nghe các Báo cáo kết quả công tác cải cách hành chính quý I và phương hướng, nhiệm vụ quý 2 năm 2022, Báo cáo phân tích chỉ số CCHC năm 2021 và Kế hoạch duy trì, cải thiện chỉ số CCHC năm 2022; Báo cáo kết quả triển khai áp dụng, duy trì cải tiến HTQLCL ISO 9001:2015, các ý kiến phát biểu, thảo luận của các cơ quan, đơn vị, thành viên BCĐ tại cuộc họp, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, phát huy các kết quả, giải pháp thực hiện nhiệm vụ CCHC năm 2022 trên địa bàn huyện, đồng chí Bùi Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND huyện, Trưởng BCĐ đã kết luận và có các ý kiến chỉ đạo, cụ thể:

1. Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tập trung thực hiện một số nội dung sau:

a. Xác định mục tiêu, quan điểm thực hiện CCHC là:

Năm 2022 phải tạo ra được bước đột phá trong CCHC, nhất là thủ tục hành chính (TTHC) liên quan tới người dân và doanh nghiệp để khơi dậy và huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các cấp, các ngành; cải thiện môi trường kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đổi đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, có biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh.

Thống nhất quan điểm đầu tư cho CCHC là đầu tư cho sự phát triển và việc đầu tư này phải tập trung, không dàn trải, làm việc nào dứt điểm việc đó. Phương châm là “đã nói phải làm”, thực chất, không hình thức, lấy sản phẩm, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương làm thước đo.

b. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị; trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện về công tác CCHC tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình; thực hiện nghiêm các nội dung quy định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ CCHC theo quy định tại Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 26/12/2019 của UBND tỉnh. Thực hiện nghiêm túc việc phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường trách nhiệm kiểm tra, giám sát và thực hiện nhất quán giữa các cấp chính quyền, ngành, lĩnh vực.

c. Tiếp tục rà soát, kịp thời đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế về CCHC thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Chủ động xử lý, giải quyết nhiệm vụ, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, cản trở, nếu vượt quá thẩm quyền thì đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

d. Khai thác, phát huy hiệu quả nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, không ngừng bồi dưỡng, đào tạo, học tập, rèn luyện nhằm trang bị đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm phục vụ công việc.

e. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch CCHC năm 2022 của các cơ quan, đơn vị, địa phương và Kế hoạch CCHC tỉnh Đắk Nông năm 2022 ban hành kèm theo Quyết định số 22/QĐ-UBND ngày 07/01/2022 của UBND huyện Krông Nô. Phấn đấu tăng chỉ số xếp hạng trong khối các huyện, thành phố của tnh, khắc phục những tồn tại hạn chế, nhất là tình trạng hồ sơ trễ hạn trong quý II/2022, thực hiện nghiêm việc xin lỗi khi có hồ sơ trễ hạn; kết quả đánh giá chỉ số CCHC năm 2022 gắn với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và người đứng đầu, công chức có liên quan; tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu quả công tác xây dựng, duy trì, cải tiến Hệ thống QLCL TCVN ISO 9001:2015 gắn với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tại cơ quan, đơn vị, nhất là giải quyết thủ tục hành chính.

f. Rà soát quy trình, quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí về thủ tục hành chính (TTHC) của các cấp, các ngành liên quan, trong nội bộ cơ quan, đơn vị, qua đó loại bỏ những quy định không cần thiết nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong giải quyết TTHC; nâng cao tinh thần, trách nhiệm và sự thân thiện của đội ngũ công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã khi tiếp xúc, hướng dẫn giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp.

g. Tiếp tục rà soát, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương khóa XII để vừa tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế vừa nâng cao năng lực, hiệu quả, điều hành, thực thi công vụ.

h. Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương để kịp thời thống nhất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nếu có.

i. Thực hiện nghiêm túc công tác triển khai văn bản điện tử, đảm bảo 100% văn bản được trao đổi trên môi trường điện tử có sử dụng chứng thư số, chữ ký số giữa các cơ quan nhà nước của tỉnh theo Quy định (trừ văn bản mật) qua phần mềm Quản lý văn bản và điều hành Ioffice.

k. Rà soát, cập nhật, thay thế tất cả các bộ thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực, thẩm quyền giải quyết của đơn vị; các quy định về phí, lệ phí và thực hiện niêm yết công khai tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã theo quy định để phục vụ Đoàn kiểm tra của tỉnh trong thời gian tới.

l. Nghiêm túc sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn huyện; đảm bảo tối thiểu 80% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng mail công vụ trong trao đổi công việc. Rà soát, lập danh sách đăng ký bổ sung hoặc khóa tài khoản mail công vụ (đối với các cán bộ chuyển công tác ra khỏi huyện, nghỉ việc, nghỉ hưu...) tại cơ quan, đơn vị, địa phương; gửi về Văn phòng HĐND&UBND huyện trước ngày 15/5/2022.

2. Đối với việc quản lý, vận hành Trang thông tin điện tử huyện: Giao Phòng Văn hóa và Thông tin có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện việc xây dựng, tổ chức Trang thông tin điện tử huyện; đăng tải các tin, bài, phóng sự kịp thời, phong phú, đa dạng; mở thêm chuyên mục như: Các dự án kêu gọi đầu tư, Quảng bá dịch vụ du lịch của huyện trên Trang thông tin điện tử huyện.

3. Giao đồng chí Trần Đăng Ánh, Phó Chủ tịch UBND huyện - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC - ISO huyện chủ trì, tổ chức làm việc với các cơ quan: Chi cục Thuế khu vực Cư Jút - Krông Nô, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai. Cụ thể là: Thống nhất quy trình thực hiện thuế điện tử; đề xuất xác định rõ thời gian xác minh giá đất; xem xét, lấy ý kiến về việc tổ chức làm ngoài giờ (hoặc dịch vụ) vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật để đáp ứng nhu cầu giải quyết hồ sơ của người dân, doanh nghiệp.

4. Giao Phòng Nội vụ thường xuyên đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra; tham mưu UBND huyện thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành CCCH trước ngày 10/5/2022, kiểm tra đột xuất công tác CCHC, công vụ; rà soát, tham mưu UBND huyện sửa đổi, bổ sung bộ chỉ số CCHC cấp xã trên địa bàn huyện.

Đồng thời, theo dõi sát sao việc thực hiện công tác cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn; đưa vào nội dung đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm.

5. Giao Văn phòng HĐND&UBND huyện:

- Thực hiện bàn giao công tác quản lý, vận hành Trang thông tin điện tử huyện về Phòng Văn hóa và Thông tin. Thời gian hoàn thành: Trước ngày 15/5/2020.

- Phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc huyện cập nhật toàn bộ quy trình, thủ tục hành chính, thành quy trình chuẩn để tiếp nhận, giải quyết trên hệ thống Một cửa điện tử.

- Rà soát, đề xuất bổ sung, nâng cấp trang thiết bị tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện theo hướng minh bạch, hiện đại và thuận tiện. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn sắp xếp, bố trí lại bộ phận TN&TKQ cấp huyện hoạt động hiệu quả

- Tiếp tục hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

- Chịu trách nhiệm thống kê, báo cáo hoặc đề xuất tạm dừng không xử lý đối với các văn bản điện tử ban hành không đúng quy định về ứng dụng chữ ký số, chứng thư số, quy trình tin học hóa.

6. Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện cung cấp các tin, bài, phóng sự thông tin, tuyên truyền về Phòng Văn hóa và Thông tin để xét duyệt, đăng tải lên Trang thông tin điện tử huyện; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các hoạt động cải cách hành chính tại địa phương; tuyên truyền việc sử dụng dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 đến các tầng lớp Nhân dân.

7. Yêu cầu Chủ tịch UBND các , thị trấn tổ chức họp rút kinh nghiệm sau công bố chỉ số CCHC năm 2021 (tại Báo cáo số 893/BC-UBND ngày 09/12/2021 của UBND huyện Krông Nô); xây dựng Kế hoạch cụ thể phấn đấu chỉ số CCHC các xã, thị trấn đạt từ mức tương đối cao (từ 80 đến dưới 95 điểm); đồng thời rà soát, khắc phục những hạn chế, thiếu sót về công tác CCHC mà Đoàn kiểm tra CCHC năm  2021 đã chỉ ra.

- Tiếp tục chỉ đạo, triển khai hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, ngày 28/4/2018 của Chính phủ, Thông tư 01/2018/TT-VPCP, ngày 23/11/2018 của Văn phòng Chính phủ; Nghị định số 107/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

- Quán triệt cán bộ, công chức, viên chức nếu có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính cần phải gương mẫu thực hiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính dịch vụ công mức độ 3, 4; trong năm 2022, mỗi địa phương phải phát sinh ít nhất 15 hồ sơ trực tuyến mức độ 3,4.

- Nghiêm túc thực hiện xin lỗi tổ chức, cá nhân khi để xảy ra tình trạng giải quyết thủ tục hành chính sai sót, quá hạn, đồng thời xem xét trách nhiệm của cá nhân có liên quan.

- Kịp thời rà soát, báo cáo tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác cải cách hành chính và duy trì, áp dụng, cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 tại đơn vị, địa phương; đề xuất cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn hoặc tổ chức tập huấn theo quy định./.


Tác giả: Văn phòng
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 717
Năm 2024 : 656.377
Website huyện