A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Krông Nô tổ chức mở lớp truyền dạy cồng chiêng M’nông

Cùng với việc sưu tầm, bảo quản, phục dựng các lễ hội văn hóa truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc; các loại hình văn hóa dân gian, những phong tục, tập quán, tín ngưỡng tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, thì việc bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ dừng lại trách nhiệm của một ngành, hay một địa phương mà là trách nhiệm của toàn xã hội.

Từ nhiều đời nay, cồng chiêng là loại nhạc cụ độc đáo, món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống đồng bào các dân tộc vùng núi Tây Nguyên nói chung, đồng bào M’nông huyện Krông Nô nói riêng. Để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản cồng chiêng, huyện Krông Nô đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị có liên tổ chức mở lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho đồng bào dân tộc M’nông tại Bon Đru, Bon Broih và Bon Yôk Rlinh của Thị trấn Đắk Mâm.

Tại lớp truyền dạy có 2 nghệ nhân truyền dạy đánh chiêng và 14 học viên. Các học viên sẽ được 2 nghệ nhân có kinh nghiệm về cồng chiêng và diễn tấu cồng chiêng truyền dạy các kỹ năng về cầm chiêng, đánh chiêng và cảm âm, ý nghĩa của từng bài chiêng ...

Tại buổi gặp mặt các nghệ nhân và học viên của lớp truyền dạy đánh chiêng, nghệ nhân Y Bioh và nghệ nhân Y Dơt đã rất vui mừng vì được truyền dạy các điệu thức cồng chiêng cho thanh niên M’nông trong Bon. Các nghệ nhân luôn mong muốn cho thế hệ sau cố gắng để gìn giữ văn hóa của dân tộc mình để bản sắc văn hóa dân tộc mình không bị mai một, thất truyền. Không chỉ truyền dạy các kỹ năng nghệ thuật, các nghệ nhân còn truyền cho thế hệ tiếp nối mình tình yêu đặc biệt với di sản văn hóa dân tộc bằng chính sự tận tâm lòng nhiệt huyết của họ.

Lớp học truyền dạy cồng chiêng tại đây sẽ giúp thanh niên nơi đây tiếp tục kế thừa và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng. Đồng thời, đưa hoạt động sinh hoạt giao lưu văn hóa cồng chiêng ở địa phương ngày càng phát triển sâu rộng, phục vụ nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước nâng cao chất lượng của phong trào văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở địa phương trong các lễ hội của đồng bào.

Cồng chiêng không đơn thuần là một nhạc cụ mà được xem là vật thiêng gắn với đời sống tâm linh, tiếng chiêng là sợi dây kết nối giữa con người và đấng siêu nhiên. Khi đời sống đổi thay, các nghi lễ gắn với mùa màng, với vòng đời con người cũng mất dần, văn hóa cồng chiêng cũng bị mai một. Hơn bao giờ hết, những nghệ nhân nắm giữ di sản trở thành những di sản văn hóa “sống” có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

T/h: Thanh Tuyền - P. VHTT

 


Tác giả: Trần Thanh Tuyền
Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 885
Năm 2024 : 656.545
Website huyện