A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng, chống hạn hán mùa khô 2020: Nông dân Nam Xuân nỗ lực cứu cây trồng

Mùa mưa kết thúc sớm, lượng nước trong các ao hồ tích trữ thấp, khiến rất nhiều diện tích cây trồng ở xã Nam Xuân (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới. Trước thực trạng này, người dân địa phương đang dồn sức để cứu cây trồng càng sớm càng tốt.

Xoay xở đủ cách

Giữa cái nắng oi ả của những ngày đầu mùa khô hạn, vườn cà phê của gia đình ông Nguyễn Văn Thủ, thôn Lương Sơn, xã Nam Xuân, đã bắt đầu xuất hiện nhiều cây úa vàng, lá rủ xuống. Bên cạnh rẫy cà phê của ông Thủ là những hồ nước trơ đáy. Hơn 4 ha cà phê trồng xen hồ tiêu của gia đình đã có dấu hiệu thiếu nước, dù ông đã đào 7 hồ trữ nước quanh rẫy để chống hạn vào mùa khô. Mới tưới xong đợt 1, nhưng hiện nay, hầu hết các hồ chỉ còn chưa đầy 0,5m nước.

Vườn cà phê của gia đình ông Thủ đang khô héo

Dựa vào đặc thù vườn cà phê nằm trên mép đồi, ông Thủ chọn cách đào ao chủ yếu để trữ nước mưa chống hạn. Thế nhưng, do năm nay thời tiết thay đổi, tắt mưa sớm, nên lượng nước tích trong hồ thấp hơn năm ngoái khoảng 1m. Không chỉ vậy, thời tiết nắng gắt khiến nước trữ trong hồ liên tục hạ thấp, dù gia đình ông đã tưới tiết kiệm. Ông Thủ cho biết, sau đợt 1 tưới kỹ cho cà phê bung hoa, đợt 2 ông tưới qua loa để dưỡng cây chứ hồ không còn nước để tưới đẫm. Cà phê đang héo, gia đình ông đang chắt nước từ giếng đào để tưới mong cứu cây trồng.

Ông Thủ là một trong những người chủ động chống hạn ở thôn Thanh Sơn. Ngoài 7 ao chứa nước, ông đã đầu tư khoan 5 cái giếng để chống hạn, nhưng không cái nào có nước. Chính vì vậy, ông đang rất lo lắng về nguồn nước tưới trong mùa khô này.

Hồ chứa nước của gia đình ông Thủ đang cạn kiệt

Còn gia đình ông Phùng Văn Hạnh, thôn Lương Sơn, có gần 2 ha cà phê xen hồ tiêu đã tưới được đợt 1. Hiện nay, ông đang tưới đợt 2, nhưng chỉ chọn những cây cà phê héo để tưới chứ không còn đủ nước. Mùa mưa kết thúc sớm, hạn hán cũng đến sớm, nên lượng nước trong hồ rộng 200m2 của ông hầu như không còn nước. Để chống hạn, hiện gia đình ông Hạnh phải đào thêm giếng lấy nước tưới cho cây trồng.
Hàng ngàn ha cây trồng đang bị đe dọa.

Người nhà ông Hạnh hút nước từ giếng trữ vào ao để tưới chống hạn.

Theo Trưởng thôn Lương Sơn Nguyễn Văn Việt, thôn Lương Sơn là địa bàn khó khăn nhất về nước tưới của xã Nam Xuân. Lượng nước tưới cho cây trồng trên địa bàn chủ yếu phụ thuộc vào các ao hồ do người dân tự đào. Năm nay mùa mưa kết thúc sớm, lượng nước tích trữ trong ao hồ thấp, người dân lại phải tưới cho cây trồng sớm, nên đến nay rất nhiều ao hồ đã trơ đáy. Nhiều diện tích cây trồng cũng vì thế mà bắt đầu thiếu nước tưới. Nguy cơ thiệt hại đang đe dọa nhiều diện tích cà phê, hồ tiêu, hoa màu của người dân trên địa bàn. Cụ thể hơn, thôn Lương Sơn có gần 100 hộ dân, với 140 ha cây trồng đã bắt đầu chịu ảnh hưởng bởi hạn hán.

Nhiều hồ chứa nước của người dân trên địa bàn đã trơ đáy

Xã Nam Xuân có khoảng  3.193 ha cây trồng gồm cà phê, hồ tiêu, điều và cây ngắn ngày. Phó Chủ tịch UBND xã Nam Xuân Nguyễn Thành Viên cho biết, nguy cơ hạn đang xảy ra trên toàn bộ diện tích cây trồng này. Để chủ động chống hạn, UBND xã Nam Xuân đã huy động người dân nạo vét kênh mương ngay từ đầu mùa khô. Nguồn nước tưới của xã chủ yếu lấy từ các hồ đập ở huyện Đắk Mil và các ao hồ do người dân tự đào. Do vậy, ngay từ đầu mùa khô, UBND xã Nam Xuân đã chủ động phối hợp, đăng ký về lịch xả nước với huyện Đắk Mil, đồng thời gửi thông báo đến các thôn để chủ động sắp xếp lịch tưới cho cây trồng cho phù hợp. Dù đã chủ động các phương án, nhưng do nguồn nước tưới phụ thuộc vào địa phương khác, nước tích trữ tại các ao hồ của người dân ở mức thấp, không đủ tưới cho cây trồng, nên nguy cơ hạn hán ở Nam Xuân đang rất cao.

Phần lớn diện tích cây trồng ở xã Nam Xuân phụ thuộc nguồn nước từ huyện Đắk Mil xả về trên suối Đắk Sôr. Nhưng thời điểm này, suối cũng đã cạn nước

Theo baodaknong.org.vn


Bản in



Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 943
Năm 2024 : 650.033
Website huyện