Tập huấn Triển khai các nội dung liên quan đến việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính
Sáng 13/12, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị tập huấn một số nội dung tại Quyết định số 468/QĐ-TTg và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP bằng hình thức trực tuyến đến gần 700 điểm cầu trên cả nước với sự tham gia của trên 6.000 đại biểu. Chủ trì tại điểm cầu của huyện Krông Nô là đồng chí Trần Đăng Ánh – Phó Chủ tịch UBND huyện và các đồng chí phụ trách công tác Kiểm soát TTHC của huyện.
Ngày 27/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo Quyết định số 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ xác định quan điểm chỉ đạo là: Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ; sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính, nhất là việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, cung cấp dịch cụ công, thay đổi cách thức quản trị hành chính từ truyền thống sang hiện đại, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Bảo đảm tính khả thi, hiệu quả; hiện thực hóa chủ trương đẩy mạnh việc chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công mà nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm.
Các nội dung chính của Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông bao gồm: Gắn kết việc số hoá hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính với quá trình tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa tạo cơ sở hình thành dữ liệu sống, sạch, đủ và chính xác; Đổi mới tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc đơn giản hoá trong chuẩn bị, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; Mở rộng việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; Tạo sự chủ động trong đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của bộ phận một cửa; Đổi mới việc giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo thời gian thực trên ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích dữ liệu…
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) Ngô Hải Phan phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Hoàng Giang
Để cụ thể Quyết định số 468/QĐ-TTg, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
So với Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, Nghị định 107/2021/NĐ-CP có một số điểm mới như sau: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính công ích có trách nhiệm bố trí người làm việc tại Bộ phận Một cửa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ khi được giao đảm nhận một hoặc một số công việc trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định pháp luật.
Tại Bộ phận Một cửa, bên cạnh việc bố trí khu vực cung cấp thông tin, thủ tục hành chính; khu vực tiếp nhận và trả kết quả được chia thành từng quầy tương ứng với từng lĩnh vực khác nhau;… thì theo quy định mới, có thể tổ chức quầy hướng dẫn hoặc quầy dành riêng cho người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người khuyết tật. Khuyến khích việc tích hợp các dịch vụ tiện ích để bổ trợ, phục vụ nhu cầu của tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch tại Bộ phận Một cửa. Ngoài ra, liên quan đến việc nộp phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến thì cơ quan, tổ chức nhận tiền phải thực hiện chuyển toàn bộ số tiền thu từ lệ phí vào ngân sách Nhà nước theo đúng thời gian quy định của pháp luật chuyên ngành; đối với số tiền thu từ phí thì phải chuyển toàn bộ số tiền đã thu trong kỳ vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách. Trường hợp chưa có quy định của pháp luật chuyên ngành thì thời hạn chuyển tiền vào ngân sách Nhà nước trong 24 giờ tính từ thời điểm thanh toán...
Nghị định 107/2021/NĐ-CP đã bổ sung thêm nhiệm vụ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận một cửa. Đối với việc tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính, cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận một cửa có nhiệm vụ: Kiểm tra, xác thực tài khoản số của cá nhân, tổ chức thông qua số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu (hoặc số giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế) của người nước ngoài và mã số của tổ chức theo quy định. Thực hiện kiểm tra dữ liệu điện tử của các thành phần hồ sơ thủ tục hành chính. Đối với thành phần hồ sơ là kết quả giải quyết thủ tục hành chính hoặc phải số hóa theo quy định của pháp luật chuyên ngành mà chưa có dữ liệu điện tử, cán bộ một cửa thực hiện sao chụp, chuyển thành tài liệu điện tử trên hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và chịu trách nhiệm về các nội dung theo bản giấy.
Đối với giải quyết thủ tục hành chính, cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận một cửa có nhiệm vụ kiểm tra thông tin trên tài liệu điện tử mà Bộ phận Một cửa chuyển đến và cập nhật thông tin, dữ liệu điện tử trên hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, ký số của cơ quan, tổ chức vào bản sao y đối với thành phần hồ sơ phải số hóa thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị.
Trường hợp phải thẩm tra, xác minh, lấy ý kiến các cơ quan liên quan trong quá trình xử lý hồ sơ, kết quả thẩm tra, xác minh và kết quả trả lời của cơ quan liên quan phải được số hóa theo dữ liệu điện tử để lưu vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Kết quả giải quyết thủ tục hành chính trình cấp có thẩm quyền ký số, phát hành theo quy định pháp luật về công tác văn thư để trả bản giấy và bản điện tử cho tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp thủ tục hành chính chỉ quy định cung cấp bản kết quả giải quyết điện tử hoặc tổ chức, cá nhân đề nghị chỉ cung cấp bản kết quả giải quyết điện tử.
Khi có kết quả giải quyết thủ tục hành chính thành công, các hồ sơ, giấy tờ được số hóa, có giá trị pháp lý trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính thì được sử dụng trong thực hiện các thủ tục hành chính khác.
Tại hội nghị, lãnh đạo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đã giới thiệu về những điểm mới tại Quyết định số 468/QĐ-TTg và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP; trách nhiệm của các bộ, ngành địa phương trong quá trình triển khai thực hiện… Tổng quan về mô hình giải quyết thủ tục hành chính tại các địa phương và trình tự, thủ tục giải quyết các thủ tục hành chính.
Phát biểu tại hội nghị tập huấn, đồng chí Ngô Hải Phan – Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ khẳng định thời gian qua việc giải quyết các thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa, một cửa liên thông đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 468/QĐ-TTg và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP. Theo đó, việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Đồng thời qua đó có thể giám sát quá trình thực hiện các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông.
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đề nghị các địa phương, bộ ngành cần tập trung thực hiện những điểm mới của các quy định nêu trên. Cục Kiểm soát thủ tục hành chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, bộ ngành để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.