Tháng 7/1958, Trung ương Đảng ra chỉ thị: “Phải gấp rút xây dựng Tây Nguyên thành căn cứ cách mạng”. Tiếp theo, tháng 3/1959, chỉ thị của Trung ương Đảng“Về nhiệm vụ xây dựng căn cứ cách mạng Tây Nguyên” đã xác định:“Xây dựng Tây Nguyên thành căn cứ chính ở miền Nam, xây dựng mọi mặt về chính trị, kinh tế, quân sự tạo điều kiện tiến lên làm chủ rừng núi, phá vỡ kế hoạch xây dựng trung tâm căn cứ quân sự của Mỹ - Diệm, tạo thế mạnh cho cách mạng miền Nam, tiến lên tấn công địch và góp phần bảo vệ miền Bắc kiến thiết XHCN”. Chỉ thị nhấn mạnh vai trò xây dựng căn cứ địa ở Nam Tây Nguyên:“Phía Nam là hướng chính xây dựng trung tâm hậu phương của địch, nơi có nhiều đô thị (Buôn Ma Thuột, Đà Lạt…), đồn điền, đường giao thông chiến lược, nơi tập trung các cơ quan chính trị, quân sự đầu não và nhiều cơ sở kinh tế của địch ở Tây Nguyên. Đối với ta là nơi nối liền giữa Trung Bộ và Nam Bộ…nơi tạo thế hỗ trợ giữa phong trào cách mạng Sài Gòn – Chợ Lớn với Tây Nguyên, Nam Tây Nguyên là vị trí cơ động nhất…”
Tượng đài chiến thắng B4
Đầu năm 1960, Liên khu ủy V quyết định chia tỉnh Đăk Lăk thành bốn vùng (gọi mật danh là B), gồm B3, B4, B5, B6; trong đó B4 là toàn bộ phần đất tỉnh Quảng Đức do chính quyền Việt Nam Cộng hòa lập. Trên cơ sở địa giới hành chính này, tháng 12/1960, Trung ương quyết định thành lập tỉnh Quảng Đức và Đảng bộ tỉnh Quảng Đức trực thuộc Liên Khu ủy 5. Căn cứ Nâm Nung thuộc huyện Đăk Mil, cách đường 14 khoảng 25 km về phía Đông. Đây là địa bàn rừng núi hiểm trở, có ngọn núi Nâm Nung cao trên 1.500m là ngọn núi cao nhất trong dãy Cao Nguyên M’Nông, phía Bắc là sông Krông Nô, phía Tây Nam là thị xã Gia Nghĩa, phía Đông là quận Đức Xuyên và phía Tây là Campuchia. Như vậy, căn cứ Nâm Nung nằm ở vị trí chiến lược quan trọng nối Tây Nguyên với Đông Nam Bộ trên tuyến hành lang Bắc – Nam và nối Nam Tây Nguyên với Campuchia. Dân số thời kỳ này có khoảng 800 người của 9 buôn gồm buôn K62, buôn 9 và buôn Bri ở vùng Nâm Nung Tây; buôn Ja Răh, buôn R’Cập, buôn Bri, buôn Yuk, buôn Dốk Yuk và một thôn người Kinh ở Nâm Nung Đông, số đông là dân tộc thiểu số tại chỗ người M’Nông, Ê Đê.
Từ khi ra đời năm 1960 cho đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, căn cứ Nâm Nung đã được xây dựng một cách toàn diện về chính trị, quân sự và kinh tế.
Về chính trị: Ngay từ những ngày đầu xây dựng căn cứ, công tác chính trị được Liên Khu ủy 5 và Ban cán sự tỉnh Quảng Đức đặc biệt coi trọng, nhất là phát triển cán bộ, lực lượng cách mạng trong đồng bào dân tộc tại chỗ. Đặc điểm thuận lợi ở vùng căn cứ, phần lớn dân số là người dân tộc M’Nông, Ê Đê họ sống tập trung, có truyền thống cách mạng và đã được thử thách trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhờ làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức đoàn, chi bộ Đảng được xây dựng sớm trở thành nòng cốt trong phong trào cách mạng quần chúng. Nhiều buôn làng có chi bộ Đảng, các Bí thư chi bộ đều là người dân tộc thiểu số. Từ đó, chủ trương, chính sách của Đảng và cách mạng được phát động sâu rộng và được quần chúng tích cực hưởng ứng. “Mỗi buôn làng người M’Nông, Ê Đê đều có chính quyền tự quản, các tổ chức đoàn thể liên tục được củng cố và kiện toàn nhằm tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc và giữa quần chúng với cách mạng… Đặc biệt trong thời gian nối tuyến hành lang Bắc – Nam, quần chúng nơi đây đã giữ bí mật tuyệt đối cho ngày khai tuyến, đó là một con đường ý chí và lòng dân”. Khi đánh giá về tình hình Tây Nguyên, chính quyền địch đã phải thừa nhận: “Đối với chính quyền cấp xã làng ở những vùng cao, xa quốc lộ, xa các thị xã và trên các vùng tiền sơn dọc Trung Nguyên Trung phần, hầu hết chính quyền ta (Việt Nam Cộng hòa) đã mất tác dụng hoạt động,… Ở những vùng núi cao, sâu và hiểm trở nằm vào những mật khu của Việt cộng, ta không lập được chính quyền, hoặc chính quyền đã lập nhưng bị Việt cộng giải tán, hiện thời không đến được, hoặc đến khó khăn bằng lực lượng quân sự. Ở những vùng núi thấp nhưng không thuận lợi cho sự kiểm soát và hoạt động của ta, thì trên nhiều nơi chính quyền mang tính chất hai mặt, bên ngoài thì làm việc cho ta, nhưng bên trong thì làm việc cho Việt cộng… Về phía ta, từ chỗ hoàn toàn làm chủ mọi mặt từ đất đai đến hình thế chiến đấu, đã đến chỗ suy thoái dần dần, hiện đang nằm trong thế bị đối phó với Việt cộng ở trong vùng rộng lớn miền Tây Nam Trung phần”.
Tháng 9/1969, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Đức lần thứ nhất được tổ chức tại căn cứ Nâm Nung. Đại hội đã đánh giá cao tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường của đồng bào vùng căn cứ địa và kiện toàn lại các đảng bộ, ban ngành, đảng ủy trực thuộc. Toàn tỉnh lúc này có 4 Đảng bộ huyện, 3 Đảng bộ trực thuộc và 29 chi bộ trong cơ sở xã. Tổng số quân dân chính đảng 1.600 người. Vai trò lãnh đạo của Đảng bộ được khẳng định ngày càng rõ trong việc củng cố, giữ vững và phát triển phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Về quân sự: Đầu năm 1960, Trung ương Đảng ra Nghị quyết 15 đưa đấu tranh vũ trang ngang với đấu tranh chính trị đã thúc đẩy phong trào cách mạng bước sang giai đoạn mới. Trên địa bàn Krông Nô, các xã đều có một tiểu đội du kích tập trung, mỗi buôn làng đều có một lực lượng du kích bán tập trung. Đến năm 1961, Khu 6 và Quân khu 6 thành lập, trực thuộc Trung ương Cục miền Nam. Địa bàn Krông Nô thuộc Khu 6, trở thành nơi đứng chân của Tiểu đoàn 120, 186, theo đó các đại đội C1, C2, C24, C90 của tỉnh cũng được thành lập. Nhờ đó, ta đã hoạt động trên cả ba vùng, vùng căn cứ, vùng tranh chấp và vùng địch kiểm soát.
Năm 1964, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Tổng kết đánh giá công tác an ninh trong toàn tỉnh. Hội nghị đã chủ trương đẩy mạnh phát triển lực lượng tại chỗ trong thời gian tới để bảo vệ các cơ quan trong vùng căn cứ và đảm bảo hoạt động của tuyến hành lang Bắc – Nam. Tại các buôn làng trong vùng căn cứ thành lập được các ban an ninh nhằm hỗ trợ cho lực lượng vũ trang và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng kháng chiến đánh giặc. Công tác bố phòng cắm chông, hầm chông cũng được chú trọng, “nhiều lần địch tổ chức từng toán biệt kích và có cả máy bay B52 ném bom, nhưng đều bị bẻ gãy, vùng căn cứ cách mạng được bảo vệ an toàn”. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã phải thừa nhận: “Với chủ trương bất di bất dịch của Cộng sản, “lấy trường kỳ hoạt động” làm châm ngôn,… Việt cộng có thể thành lập được những đơn vị vũ trang, quấy rối các đơn vị chiến đấu và gây khó khăn rất nhiều cho công cuộc bình trị của Việt Nam Cộng hòa”.
Đầu năm 1967, tỉnh Quảng Đức được tái lập sau một năm giải thể. Khu 10 tăng cường cho tỉnh 1 tiểu đoàn chủ lực, tỉnh có 3 đại đội: Đại đội 2, Đại đội 13, Đại đội 24 và có các đơn vị C90 Đặc công, C60 Công binh, C35 Công binh xưởng. Đại đội 13 đóng ở Buôn Jarah tại căn cứ Nâm Nung. Riêng Bộ đội địa phương huyện có các đơn vị C30, C75 và C20, có khoảng 70% quân số là người dân tộc thiểu số. Từ năm 1969, địch tăng cường càn quét, đánh phá vùng căn cứ, ngoài nhiệm vụ đảm bảo giao liên, dẫn đường cho bộ đội, các trung đội du kích xã còn trực tiếp tham gia các trận đánh. Tiêu biểu, tháng 8/1969, một tổ du kích vùng căn cứ do xã đội trưởng Y Tam chỉ huy đã bắn rơi ba máy bay trực thăng của địch và diệt trên 45 tên. Trận càn quét khá lớn của địch vào vùng căn cứ trên địa bàn huyện Krông Nô đã bị bẻ gãy. Với thành tích đó, Y Tam và hai đồng đội của anh đều được tặng thưởng Chiến công hạng Nhất và hạng Nhì. Chính quyền địch đã phải thừa nhận:“Với những đội tự vệ chiến đấu được xây dựng trên cơ cấu quân sự sâu rộng trong quần chúng, các tổ chức tự vệ nhân dân trở thành lực lượng khả dĩ chiến đấu về quân sự theo kiểu chiến tranh nhân dân”.
Phong trào nhân dân du kích chiến tranh và xây dựng buôn làng chiến đấu đã được các dân tộc Ê Đê, M’Nông tham gia tích cực. Từ các cụ già đến các cháu thiếu niên đều hăng hái thi đua, đã vót chông, làm cung tên, cạm bẫy, thực hiện rào làng chiến đấu, chống địch càn quét vào vùng căn cứ, vùng giải phóng của ta. Nhiều tên địch đã bị tiêu diệt bởi hầm chông, cạm bẫy, mang cung của du kích vùng căn cứ. “Nhiều vị chỉ huy du kích người M’Nông, Ê Đê dũng cảm và mưu lược như Ma Beo, Ma Hin, Y Linh, Ma Chí, Ma Lim, Y Tam,… đã tô thắm truyền thống cách mạng của đồng bào các dân tộc ở vùng căn cứ cách mạng trên địa bàn Krông Nô”.
Về kinh tế: Công tác kinh tế, tài chính được Trung ương Đảng và Khu ủy hết sức quan tâm. Nghị quyết cán bộ miền núi tháng 8/1966 của Khu ủy 5 “Về tình hình và nhiệm vụ xây dựng căn cứ miền núi” đã nêu rõ: “Xây dựng kinh tế miền núi là vấn đề quan trọng bậc nhất trong công tác xây dựng căn cứ địa, đó là công tác trọng tâm hàng ngày với giết giặc… Ra sức xây dựng một nền kinh tế tự cấp, tự túc, tự lực cánh sinh; ra sức huy động sức dân cho sản xuất và bảo vệ sản xuất phục vụ cho kháng chiến”. Trong những ngày đầu xây dựng căn cứ địa, cán bộ và chiến sĩ được đồng bào cung cấp lương thực, thực phẩm, nhiều gia đình lập “hũ gạo kháng chiến” ủng hộ chiến sĩ vùng căn cứ. Điển hình như gia đình ông Ma Beo (người M’Nông) đã đem cặp ngà voi 18kg đổi lấy muối tặng cho bộ đội.
Vào thời điểm cuối mùa khô trong năm, lương thực trở nên khan hiếm, sự tiếp tế không đến kịp, nương rẫy bị địch dùng máy bay rải chất hóa học phá hoại, nên “có khi hàng tháng trời, quân và dân trong vùng căn cứ phải ăn rau, củ rừng thay cơm, sắn… Song tinh thần cách mạng, một lòng theo cách mạng của đồng bào đã làm nản lòng kẻ thù”. Từ năm 1962, số cán bộ và chiến sĩ đi qua vùng căn cứ ngày một tăng, nhiệm vụ bảo đảm lương thực trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trước tình hình đó, Khu ủy khu V và tỉnh Quảng Đức phát động phong trào làm “rẫy cách mạng”, mỗi cán bộ, chiến sĩ tham gia sản xuất từ 10 đến 15 kg giống lúa, đã từng bước khắc phục nạn đói, chiến sĩ và đồng bào yên tâm kháng chiến đánh giặc. Địch đã nhận xét rằng: “Với khả năng sản xuất, khai thác lương thực tại chỗ, tại những vùng căn cứ, Việt cộng có thể sống dài ngày và tiếp nhận đội quân lớn từ miền Bắc đi vào”.
Mặc dù còn đói cơm, lạt muối, nhưng đồng bào và chiến sĩ ở vùng căn cứ đã nuôi dưỡng 300 thương binh, góp cho cách mạng 650.121 tấn gạo, 156.260 tấn mì, 310.072 tấn ngô, khoai; 106.863 tấn rau các loại; 20.624 con gà, vịt; 116 con trâu, bò; 479 con heo. Ngoài ra hàng vạn ngày công lao động và nhiều phương tiện, đồ dùng, lương thực, thực phẩm để xây dựng và bảo vệ thông suốt hai tuyến đường hành lang phục vụ kháng chiến.
Nghiên cứu về căn cứ địa Nâm Nung trong kháng chiến chống Mỹ, có thể rút ra một số đặc điểm sau:
Thứ nhất: Căn cứ địa Nâm Nung nằm sâu trong vùng rừng núi hiểm trở, địa hình phức tạp, xem kẽ là các buôn làng của các dân tộc Ê Đê, M’Nông. Được núi rừng bao bọc, được đồng bào các dân tộc nơi đây che chở, căn cứ địa Nâm Nung đã đứng vững trước những đợt tấn công của quân địch, trở thành nơi đứng chân an toàn cho các cơ quan đầu não và lực lượng kháng chiến; vừa là nơi triển khai thế trận hậu phương tại chỗ cho chiến trường Nam Tây Nguyên.
Thứ hai: Căn cứ địa Nâm Nung nằm trên đường hành lang chiến lược Bắc – Nam, Đông – Tây, nối Nam Tây Nguyên với Đông Nam Bộ và Campuchia. Trên hành trình vào chiến trường miền Nam, căn cứ Nâm Nung trở thành trạm dừng chân và nuôi dưỡng hàng trăm cán bộ và chiến sĩ cách mạng, đồng thời là con đường huyết mạch vận chuyển hàng ngàn tấn lương thực, vũ khí, đạn dược vào Nam Bộ, góp phần tạo nên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Thứ ba: Quần thể di tích lịch sử căn cứ địa Nâm Nung đã được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là di tích cấp Quốc gia tại Quyết định số 10/2005/QĐ-BVHTT, ngày 17/3/2005.
Cùng với những giá trị về mặt lịch sử, ý nghĩa về mặt địa chất và sinh thái - văn hóa, nơi đây sẽ là điểm đến lý tưởng thu hút sự quan tâm của du khách với vẻ đẹp tự nhiên sẵn có bên cạnh những truyền thống văn hoá độc đáo, lâu đời của các buôn làng người M’Nông, Ê Đê.