Năm 2017, trong quá trình nghiên cứu, đánh giá các di sản trong vùng Công viên Địa chất ở Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia khảo cổ học đã phát hiện nhiều hang động thuộc hang động núi lửa ở huyện Krông Nô có dấu tích của con người tiền sử.

Ngay sau đó, di tích khảo cổ Hang C6-1 được tiến hành khai quật khẩn cấp (theo Quyết định số: 263a/QĐ-UBND, ngày 20/02/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông), với diện tích 2m2, vị trí hố ở gần cửa tây nam của hang C6-1 và dừng lại ở độ sâu 0,8m. Kết quả thu thập được hơn 1.223 hiện vật, gồm: công cụ đá, mảnh tước, mảnh gốm và cả xương động vật. Bước đầu ghi nhận nơi đây là di chỉ cư trú của cư dân cổ thời tiền sử, niên đại khoảng 6.000 - 3.000 năm cách ngày nay.

 

Tháng 3/2018, di tích hang C6-1 và hang C6’ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch cấp phép khai quật khảo cổ theo Quyết định số 52/QĐ-BVNTTDL ngày 09/01/2018. Hố khai quật được mở rộng với tổng diện tích 6m2. Kết quả, hố khai quật có độ sâu trung bình từ 1.80m đến 1.85m, gồm 23 lớp đào, 8 lớp địa tầng, 5 mức văn hóa; Tổng số di vật thu được trong hố khai quật hang C6-1 khoảng 38.406 hiện vật, gồm đồ đá, đồ gốm, xương động vật, vỏ nhuyễn thể và thổ hoàng. Đáng chú ý là đã phát hiện 3 mộ táng chôn ngồi bó gối trong các tầng văn hoá.

Năm 2019, để nghiên cứu sâu về các di tích mộ táng và di tích và di vật tại di tích, hố khai quật tại hang C6-1 tiếp tục được mở rộng về phía cửa hang và vách hang với tổng diện tích 10,3m2. Kết quả, trong hố khai quật đã thu được khối lượng di vật khá đồ sộ, khoảng 40.939 hiện vật, gồm đồ đá, đồ đồng, đồ xương, đồ nhuyễn thể và gốm. Hố đất đen, vết đất cháy màu nâu (bếp) và tiếp tục phát hiện 4 mộ táng chôn ngồi bó gối trong các tầng văn hoá.

Theo kết quả tổng hợp từ Báo cáo kết quả khai quật Hang C6’ và C6-1 Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, Tổng kết kết quả qua các đợt khai quật năm 2017, 2018, 2019, tại di tích Hang C6-1 đã thu thập được hơn: 80.568 hiện vật, bao gồm: 3.476 đồ đá, 1.096 mảnh gốm, 51 tiêu bản xương mài, 63.020 mảnh xương, 11.555 vỏ nhuyễn thể, 11 ốc tiền, 1.363 mảnh thổ hoàng.

 

 

Dựa vào cấu trúc tầng văn hóa hố khai quật và hệ thống niên đại cùng tổ hợp di vật, động thực vật hang C6-1, gồm: 8 lớp trầm tích, 5 mức văn hóa với hai giai đoạn văn hóa chính gồm:

* Giai đoạn văn hóa sớm: từ lớp trầm tích 3 đến lớp 8, ở độ sâu từ 75cm đến 1,85m, tồn tại từ 7.000 đến 5.500 năm cách ngày nay. Cư dân giai đoạn này cư trú, chế tác đá và để mộ táng tại nơi cư trú (phát hiện 6 mộ táng chôn ngồi bó gối). Trong số các mộ táng, có người nam trưởng thành, khoảng 25 đến 35 tuổi, thân hình to lớn, cao 1,84 - 1,85m, thành phần nhân chng giống người Hòa Bình - Bắc Sơn. Đặc trưng tổ hợp di vật giai đoạn này phản ánh đặc điểm văn hóa giai đoạn Đá mới giữa cách ngày nay 5.000 -7.000 năm.

* Giai đoạn văn hóa muộn: gồm các lớp ở độ sâu từ lớp mặt xuống độ sâu 75cm, có niên đại từ 5.500 năm đến khoảng 4.000 năm cách ngày nay. Vào giai đoạn này, một số cư dân tiền sử vẫn cư trú trong hang, nhưng một số đã rời hang ra cư trú ngoài trời; Hiện vật tìm thấy gốm tiền sử, công cụ ghè đẽo, bàn mài, xương, răng người, mảnh tước, mũi tên đồng và 1 mộ táng. Di vật ở mức này phản ánh đặc điểm văn hóa giai đoạn hậu kỳ Đá mới đến Sơ kỳ kim khí.

Kết quả khai quật Hang C6-1 và C6’ đã xác nhận đây là những di tích hang động núi lửa đầu tiên ở Việt Nam được khai quật và nghiên cứu có hệ thống; có sự kết hợp khai quật, bảo tồn, xây dựng phòng trưng bày tại chỗ, gắn khai quật, nghiên cứu khảo cổ với phát triển du lịch của địa phương. Đây là địa điểm cư trú, điểm chế tác công cụ và mộ táng của cư dân tiền sử. Những tư liệu khảo cổ học hang động núi lửa thu được ở hang C6-1 và C6’ là tài liệu quan trọng cho nhận thức mới về tiền sử Tây Nguyên, nhất là giai đoạn Đá mới. Lần đầu tiên giới khảo cổ học Việt Nam và Đông Nam Á biết đến một loại hình di tích khảo cổ hang động núi lửa; Và là nguồn tư liệu quan trọng trong hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, một nguồn lực mới góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đất Tây Nguyên.

Với ý nghĩa to lớn nói trên, tỉnh Đắk Nông đã xây dựng hồ sơ và trình bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia đối với di tích khảo cổ Hang C6-1. Ngày 20/3/2023, Bộ trưởng bộ văn hóa đã ban hành Quyết định số 701/QĐ-UBND xếp hạng Di tích quốc gia Di tích khảo cổ Hang C6-1, xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.