A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Krông Nô nỗ lực với công nghiệp không khói

Krông Nô là vùng đất có truyền thống cách mạng, nơi hội tụ nhiều nét văn hóa truyền thống của các dân tộc, được thiên nhiên ưu ái về danh lam thắng cảnh. Đặc biệt, ở đây có hệ thống hang động núi lửa, có dòng sông Krông Nô hùng vĩ trải dài, uốn quanh tựa giải lụa, tạo nên những thác nước tuyệt đẹp. Với những lợi thế sẵn có đó, Krông Nô đã và đang từng bước khơi dậy tiềm năng du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Hệ thống hang động trong đá bazan được phát hiện từ năm 2007 và phân bố chủ yếu ở khu vực Krông Nô.

VÙNG ĐẤT GIÀU TIỀM NĂNG

Nói đến Krông Nô không thể không nhắc đến thác Đ’ray Sáp, một trong ba ngọn thác đẹp nhất ở thượng nguồn sông Sêrêpốk. Đ'ray Sáp cùng với thác Gia Long, thác Trinh Nữ tạo nên chuỗi thác liền kề hùng vĩ giữa núi rừng Tây Nguyên. Đ’ray Sáp thuộc xã Đắk Sôr (Krông Nô) có độ cao hơn 50 m, dòng chảy cao điểm mùa mưa trải dài 100 m.

Năm 1993, Bộ Văn hóa - Thông tin, nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã xếp hạng thác Đ’ray Sáp là thắng cảnh cấp Quốc gia. Hiện danh thắng này đã được tỉnh quy hoạch và giao cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Liên Thành đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động, hàng năm thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan, du lịch.

 

Chiều cao của thác Đ'ray Sáp khoảng 20m, chiều rộng gần 100m. Dòng nước hùng vĩ đổ từ trên cao xuống tạo thành những dòng nước trắng xóa ấn tượng như màu khói, do đó cái tên Đ'ray Sáp ra đời bởi trong tiếng Ê đê, từ này có nghĩa là khói.

Thượng nguồn thác là cánh rừng đặc dụng cảnh quan Đ'ray Sáp với nhiều hệ động thực vật, cây thân gỗ đường kính lớn, có vai trò điều tiết, tạo cảnh quan môi trường trong lành, mát dịu

Bên cạnh thác Đ’ray Sáp là một hệ thống hang động núi lửa được công bố năm 2014. Sau hơn 5 năm nghiên cứu, các nhà khoa học của Hội hang động Nhật Bản đã khám phá ra hệ thống hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á tại khu vực Tây Nguyên. Đây được coi là di sản thiên nhiên độc đáo của quá trình phun trào núi lửa cách đây hàng triệu năm.

Theo kết quả nghiên cứu khoa học thì hệ thống hang động Nâm Blang (còn được gọi với tên khác là Chư B'Lúk hoặc Chư R’luh) được hình thành bởi quá trình hoạt động phun trào của núi lửa và sự xâm thực của nước mưa qua hàng triệu năm. Hệ thống hang động núi lửa Nâm Blang, xã Buôn Choáh, có miệng núi lửa Nâm Blang, là điểm xuất phát hang động dẫn đến các vùng lân cận tại xã Đắk Sôr, Nam Đà, Buôn Choáh (Krông Nô) và một phần tại huyện Cư Jút.

Núi lửa Nâm Blang là một trong các ngọn núi lửa đẹp của Tây Nguyên, thuộc huyện Krông Nô. Núi có hình nón cụt, theo các nhà khoa học, hoạt động của núi lửa này xảy ra cách đây khoảng 0,689 triệu năm đến 0,199 triệu năm.

Hệ thống hang động núi lửa Nâm Blang có khoảng 100 hang lớn nhỏ với những nét đặc trưng và độc đáo riêng. Phần lớn các hang có hình ống với nhiều ngã rẽ thông nhau tạo thành những vòng tròn. Trong hang động, cấu trúc đặc trưng về hình dạng bề mặt đá bazan đã phản ánh quá trình hoạt động núi lửa phun trào.

 

Du khách, người dân địa phương đến khám phá hang động núi lửa Krông Nô.

Theo các nhà khoa học, loại hang núi lửa khu vực này thuộc dạng hiếm trên thế giới, với những vệt hoa văn tự nhiên rất đẹp trên các thành hang... Hiếm hơn nữa là quần thể hang này lại nối liền với quần thể thác lớn trên sông Sêrêpốk, rất thuận lợi để phát triển du lịch. Hiện nay, sau nhiều năm xây dựng và phát triển, Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông đã chính thức được UNESCO công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu vào tháng 7 năm 2020.

 

Du khách thích thú tham quan vườn thú ở thác Đ'ray Sáp

Bên cạnh đó, trên địa bàn Krông Nô còn có 3 dự án du lịch được tỉnh đưa vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư phát triển giai đoạn 2016 - 2020, gồm: điểm du lịch sinh thái hồ Ea S'nô; điểm du lịch thác Len Gun, khu du lịch sinh thái hồ thủy điện Buôn Tua Srah.

Ea Snô là một hồ nước tự nhiên với khung cảnh tuyệt đẹp nhưng vẫn còn hoang sơ, mộc mạc và được hình thành do hoạt động núi lửa với diện tích mặt hồ khoảng 80ha, độ sâu trung bình khoảng 12m.

Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung với diện tích hơn 12 ngàn ha, phần lớn diện tích là rừng tự nhiên. Đỉnh núi Nâm Nung có độ cao 1.500m được xem là “nóc nhà” của Đắk Nông. Nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung còn có di tích lịch sử cấp quốc gia Di tích lịch sử cách mạng căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV. Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung là một quần thể giàu tiềm năng kinh tế du lịch với rừng tự nhiên, danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử.

Đài chiến thắng - điểm "về nguồn" nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay (Ảnh: Đức Hùng)

Cùng với đó, hơn 26 dân tộc sinh sống, trong đó có 2 dân tộc bản địa là M’nông Preh và Ê đê tạo nên sự giao thoa văn hóa vùng miền giữa các dân tộc. Cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ có lịch sử cư trú lâu đời, đời sống sinh hoạt và sản xuất gắn liền với núi rừng, nương rẫy… Từ đó đã hình thành nên một kho tàng di sản văn hóa hết sức độc đáo, đa dạng và phong phú, nổi bật là cồng chiêng, diễn tấu cồng chiêng, các loại nhạc cụ dân gian truyền thống (Đinh năm, Đinh tút, M’buốt…); hát kể sử thi, các nghi lễ, lễ hội...

Nhiều hộ đồng bào dân tộc M'nông trên địa bàn huyện Krông Nô vẫn còn giữ gìn nghề đan lát truyền thống

Sử thi M’nông (Ót N’drong) thuộc loại sử thi cổ sơ, là di sản vô giá, có giá trị văn hóa, tư tưởng to lớn, được đồng bào sáng tạo từ bao đời nay và là kho tàng văn hóa dân gian truyền miệng độc đáo. Bon Ja Ráh, bon Yốk Ju (xã Nâm Nung) có đội đánh cồng chiêng và có hàng chục nghệ nhân hát sử thi... Đây là những tiềm năng để phát triển du lịch homestay, làm điểm đến, điểm dừng chân cho du khách tìm hiểu, trải nghiệm, làm giàu thêm sự hiểu biết văn hóa của con người nơi đây.

 

 

TỪNG BƯỚC KHAI THÁC TIỀM NĂNG DU LỊCH

Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Krông Nô lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định, phát triển du lịch dựa trên tiềm năng, giá trị khoa học của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông là một trong 4 đột phá trọng tâm.

Bản đồ phân bố các hang động núi lửa trong vùng Công viên địa chất Đắk Nông. Ảnh: Ban quản lý Công viên địa chất Đắk Nông


Krông Nô xác định đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những chiến lược trọng tâm của huyện nhằm kết nối với các địa phương, rút ngắn khoảng cách, tạo đà thu hút các dự án đầu tư, phát triển du lịch. Những năm qua, địa phương đã lồng ghép nhiều nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Cùng với giao thông, dịch vụ vận tải xe khách chất lượng cao, xe buýt ngày càng quan tâm, đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách. Cơ sở hạ tầng lưu trú cũng được huyện khuyến khích đầu tư. Đến nay toàn huyện có khoảng 500 cơ sở dịch vụ lưu trú và ăn uống; trong đó có hơn 20 điểm lưu trú với trên120 phòng, 1 khách sạn đạt chuẩn 2 sao đủ đáp ứng nhu cầu khách đến tham quan và lưu trú.

 

Du khách từ các tỉnh đến tham quan, tận hưởng khung cảnh tươi đẹp tại Khu du lịch thác Đ'ray Sáp trong dịp hè 2022

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ VII, nhiệm kỳ 2015-2020 về bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, Krông Nô đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ và Nhân dân tham gia bảo vệ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa các nghi lễ, lễ hội truyền thống. Thông qua cổ động trực quan như băng rôn, khẩu hiệu, panô, áp phích, sân khấu hóa lồng ghép vào các chương trình hội thi, hội diễn của huyện, của ngành và chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng..., đến nay công tác bảo tồn từng bước và phát huy. Nhận thức về vai trò, giá trị của văn hóa cồng chiêng và lễ hội cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc được nâng cao. Số lượng thanh - thiếu niên là con em đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các lớp học cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm ngày càng nhiều. Một số nghi lễ, lễ hội truyền thống trong Nhân dân đã được khôi phục như lễ hội cúng bến nước, cầu mưa, M’ Găp bon, Tăm plang Brang bon, cầu sức khỏe, đặt tên, cấp sắc, Lồng Tồng.

Địa phương đã hoàn thành phương án đầu tư xây dựng nâng cấp tu bổ Di tích B4; Khu tưởng niệm di tích N’Trang Gưh, trung tâm Thông tin Công viên địa chất Krông Nô; công trình cơ sở vật chất du lịch Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông tại điểm số 8 (núi lửa Nâm Kar) và điểm số 10 (cánh đồng lúa ven núi lửa). Huyện đã hình thành các điểm kêu gọi đầu tư du lịch: Khu du lịch sinh thái Suối nước trong (tiểu khu 1254-Nam Đà), Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Krông Nô (buôn K62- Đắk D'rô)…

Với những lợi thế của mình, Krông Nô đang thu hút ngày càng đông du khách đến với vùng đất này. Lượng khách đến Krông Nô hàng năm bình quân khoảng 130.000 lượt khách, doanh thu ước đạt hơn 24 tỷ đồng

Ðầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những chiến lược trọng tâm của huyện Krông Nô nhằm kết nối với các địa phương, rút ngắn khoảng cách, tạo đà thu hút các dự án đầu tư, phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, Krông Nô chủ động thực hiện và đề xuất một số giải pháp chiến lược tương xứng với tiềm năng hiện có. Trước mắt, huyện tập trung vào công tác tu bổ, tôn tạo các di tích, xây dựng các tour du lịch tại các điểm di tích lịch sử: Đề án sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch (Homestay); chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, huyện sẽ thu hút đầu tư, phát triển du lịch dựa trên tiềm năng, lợi thế về hệ thống thác nước, hồ đập, di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc, đặc biệt là hệ thống hang động núi lửa nằm trong vùng lõi của quần thể Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông. Đồng thời tạo sự kết nối với các địa phương khác để thu hút du khách, tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân tham gia làm du lịch…

 

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, địa phương còn gặp nhiều khó khăn như: phát triển dịch vụ du lịch chưa tương xứng với tiềm năng vị thế; nguồn lực đầu tư cho các điểm du lịch, khu du lịch còn hạn hẹp; một số nơi chưa coi trọng quản lý hoạt động tại các khu du lịch… Để ngành Du lịch tỉnh có bước phát triển theo hướng bền vững, huyện sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh về một số cơ chế, chính sách giải pháp cho chiến lược phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Xuân Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho biết: “Trước những danh lam thắng cảnh mà thiên nhiên ban tặng, những địa điểm mang đậm nét lịch sử, văn hóa đa dạng của đồng bào dân tộc tại chỗ..., hiện nay huyện đã và đang tiến hành triển khai các đề án phát triển du lịch trên địa bàn, xác định đưa ngành Du lịch trở thành ngành mũi nhọn kinh tế nhằm phát triển nền kinh tế chung của huyện. Ðể sớm thực hiện được cần có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của Nhân dân trên địa bàn…”.

Du khách trải nghiệm dịch vụ tự lái xe địa hình tại tuyến du lịch thác Đ'ray Sáp - Gia Long

Krông Nô đang xây dựng chương trình mỗi xã một sản phẩm để gắn kết phát triển du lịch

Ðồng bào M'nông xã Quảng Phú giữ gìn nghi lễ truyền thống dân tộc

Cơ sở hạ tầng lưu trú, ăn uống được huyện khuyến khích đầu tư để phát triển du lịch

Du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các điểm du lịch trong mùa hè

Để phát huy, khai thác, khơi dậy cũng như bảo tồn, tôn tạo hiệu quả các di tích, thời gian tới, Krông Nô tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền về quản lý, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác kiểm kê di sản văn hóa tại các di tích và khuyến khích, huy động nguồn xã hội hóa hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp các di tích đang xuống cấp nhằm góp phần đắc lực thúc đẩy phát triển các loại hình du lịch trên địa bàn huyện.

Các nhà khoa học đến khám phá, nghiên cứu hệ thống hang động núi lửa Krông Nô

Khi các tiềm năng, thế mạnh về du lịch được đánh thức với những sản phẩm du lịch đặc trưng, Krông Nô hy vọng sẽ đem đến cho du khách những ấn tượng khó quên về vùng đất và con người nơi đây. Qua đó góp phần thúc đẩy ngành "Công nghiệp không khói" này ngày càng phát triển và có chỗ đứng vững chắc trên bản đồ du lịch ở tỉnh Ðắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

 

Nguồn: baodaknong.org.vn

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 2
Hôm nay : 912
Năm 2024 : 650.002
Website huyện