Chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, kiểm tra, xử lý các trường hợp đào, đắp, san lấp mặt bằng trái phép trên địa bàn huyện
Trong thời gian qua, thực hiện công tác quản lý nhà nước lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn huyện, Huyện ủy, UBND huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan, đơn vị huyện và UBND các xã, thị trấn Đắk Mâm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn huyện nói chung và đất làm vật liệu san lấp nói riêng; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hoạt động cải tạo, san lấp mặt bằng trái phép trên bàn huyện, hướng dẫn việc quản lý và sử dụng đất dôi dư trong quá trình cải tạo đất, san gạt cải tạo mặt bằng. Tuy nhiên, qua theo dõi, tình trạng khai thác đất làm vật liệu san lấp và tự ý đào múc đất, cải tạo, san lấp mặt bằng trái phép vẫn còn diễn ra trên địa bàn một số xã nhưng UBND các xã chưa kịp thời phát hiện, xử lý gây bức xúc trong dư luận và phản ánh của cơ quan báo chí. Để kịp thời khắc phục tình trạng trên, ngày 19/9/2023, UBND huyện đã ban hành Công văn số 1931/UBND-TNMT về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, kiểm tra, xử lý các trường hợp đào, đắp, san lấp mặt bằng trái phép trên địa bàn huyện.
Theo đó, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn nghiêm túc triển khai thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:
1. Yêu cầu UBND các xã, thị trấn Đắk Mâm:
- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý theo quy định;
- Chủ động báo cáo, tham mưu, đề xuất UBND huyện các giải pháp để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn quản lý. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, phòng ban chuyên môn của huyện trong việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật;
- Chủ động phối hợp, kiểm tra, xác minh khi có thông tin phản ánh của cơ quan báo chí, tổ chức, cá nhân liên quan đến đến hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển khoáng sản trái phép để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý theo quy định các hành vi vi phạm pháp luật. Trường hợp vượt thẩm quyền phải kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý theo quy định;
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản và các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản rộng rãi đến các tổ chức và nhân dân trên địa bàn xã; thông báo văn bản này trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại nhà văn hóa các thôn, buôn, bon, tổ dân phố trên địa bàn để tuyên truyền đến nhân dân, các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức có phương tiện phục vụ hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản được biết, trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
- Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động khai thác đất san lấp trái phép (nếu có) theo quy định của pháp luật trên địa bàn quản lý, không để dư luận xấu trong quần chúng nhân dân; tuyệt đối không hợp thức hoá các vi phạm; thực hiện nghiêm quy định của pháp luật đất đai về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện. (Việc quản lý hoạt động đào đắp, san gạt mặt bằng trên địa bàn thực hiện theo Công văn số 1044/UBND-TNMT ngày 02/6/2021 của UBND huyện về việc quản lý và sử dụng đất dôi dư khi hộ gia đình, cá nhân đào đắp, san gạt cải tạo mặt bằng trên địa bàn huyện)
- Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có sai phạm trong công tác quản lý khai thác đất san lấp, đề nghị UBND các xã, thị trấn Đắk Mâm xử lý nghiêm theo quy định của Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Đất đai; Tài nguyên nước và khoáng sản; Khí tượng thủy văn; Đo đạc và bản đồ và Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Trường hợp vượt thẩm quyền phải kịp thời cũng cố hồ sơ, báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý theo quy định.
* Trường hợp UBND các xã, thị trấn Đắk Mâm để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý mà không kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định thì Chủ tịch UBND các xã, thị trấn Đắk Mâm nơi để xảy ra vi phạm phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện.
2. Công an huyện
- Tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực khoáng sản nói chung và khoáng sản chưa khai thác (đất san lấp) nói riêng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật;
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp, phương tiện vận chuyển khoáng sản không có hóa đơn, chứng từ và gây ô nhiễm môi trường;
- Phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương trong việc truy quét, giải tỏa và ngăn chặn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện.
3. Trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thông huyện
- Thông báo công khai khai văn bản này trên đài truyền thông huyện để tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện được biết và thực hiện theo quy định.
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đai, môi trường và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện, đặt biệt là khoáng sản đất san lấp, cát, sỏi, đá để nâng cao nhận thức trong các cấp, các ngành, tầng lớp nhân dân, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản. Quản lý chặt chẽ hoạt động báo chí trên địa bàn đảm bảo tuân thủ pháp luật, thông tin phản ánh phải đầy đủ, chính xác, trung thực.
4. Chi cục Thuế khu vực Cư Jút – Krông Nô
- Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý chống thất thu thuế theo quy định trong việc xuất bán và vận chuyển khoáng sản không có hóa đơn nhằm tránh gây thất thoát nguồn thu và nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện; xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân, nhất là hành vi kê khai không đúng khối lượng khoáng sản khai thác (cát, sỏi) thực tế; tham mưu đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm nhằm chống thất thu thuế.
-Trong quá trình kiểm tra, thu thuế, trường hợp phát hiện Doanh nghiệp không được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng vẫn có hoạt động khai thác, chế biến và đăng ký, kê khai thuế giá trị gia tăng thì phải kịp thời báo cáo, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định.
5. Phòng Tài nguyên và Môi trường
- Theo chức năng, nhiệm vụ chuyên môn được giao, chủ động phối hợp, hướng dẫn các đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện và xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản trái phép;
- Theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện của các đơn vị, tông hợp báo cáo, tham mưu UBND huyện xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm và kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết đối với các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền trong quá trình triển khai thực hiện./.