A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện ủy Krông Nô tăng cường chỉ đạo tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới

Ngày 08/4/2025, Huyện ủy Krông Nô đã ban hành Kế hoạch số 183-KH/HU về triển khai Kế hoạch số 212-KH/TU ngày 18/02/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới. Kế hoạch 183-KH/HU được ban hành nhằm quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện hiệu quả, cụ thể hoá các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách được nêu trong Kế hoạch số 212-KH/TU và Chỉ thị số 39-CT/TW; phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế để nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới; nâng cao nhận thức, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp nhằm tiếp tục tạo chuyển biến tích cực hơn nữa trong công tác tín dụng chính sách xã hội...

Trong những năm qua, tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một "điểm sáng", địa chỉ tin cậy của hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách, là một "trụ cột" trong hệ thống chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội. Tính đến ngày 10/4/2025, tổng nguồn vốn đạt 664.753 triệu đồng, với 10.159/19.775 hộ dân được tiếp cận tín dụng chính sách trên toàn huyện Krông Nô chiếm tỉ lệ 51.3% . Tăng trưởng tuyệt đối 48.121 triệu đồng so với năm 2025. Trong đó: Nguồn vốn Trung ương: 620.995 triệu đồng, tăng 42.121 triệu đồng. Nguồn vốn từ UBND tỉnh: 21.508 triệu đồng chiếm 3.37% tổng kế hoạch tín dụng, tăng 3.000 triệu đồng so với năm 2024.Nguồn vốn từ UBND huyện đạt 22.286 triệu đồng chiếm 3.34% tổng kế. Với chất lượng tín dụng ổn định. Đến thời điểm hiện tại, tổng quá hạn: 154 triệu đồng/6 hộ chiếm tỉ lệ 0.024% so với tổng dư nợ,  Nợ khoanh: 592 triệu đồng/18 hộ vay, chiếm tỉ lệ 0,093% so với tổng dư nợ.

Hội nghị tổng kết tại xã Nâm Nung

Tại Kế hoạch số 183-KH/HU, Huyện ủy Krông Nô đã đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương, UBMTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các Tổ chức cơ sở Đảng kịp thời phổ biến, quán triệt, tuyên truyền triển khai thực hiện Kế hoạch này đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân bằng hình thức phù hợp. Đồng thời đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện Kế hoạch, cụ thể: như sau:

Hình ảnh giao dịch xã tại xã ĐắkDrô

- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội. Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục tổ chức phổ biến, quán triệt sâu rộng đến từng cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và triển khai thực hiện nghiêm, đồng bộ các quan điểm chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp theo Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới.

- Nâng cao vai trò của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội. Xác định công tác tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đặt trong tổng thể thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030 và các chương trình mục tiêu quốc gia; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, có trách nhiệm trực tiếp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, đề ra nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch cụ thể hằng năm phù hợp thực tiễn của địa phương nhằm nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường phối hợp trong xây dựng triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội; đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình sản xuất kinh doanh giỏi, sử dụng vốn vay hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đối với hoạt động huy động, quản lý và sử dụng vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, không được để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; kiểm soát và phòng ngừa rủi ro có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán, hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.

- Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng, các cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thực hiện tốt chức năng giám sát cộng đồng, phản biện xã hội đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội. Các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các công việc được Ngân hàng Chính sách xã hội uỷ thác; lồng ghép các nội dung uỷ thác với các chương trình, dự án và hoạt động thường xuyên của tổ chức chính trị - xã hội.

- Rà soát, đánh giá hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội hiện hành, xây dựng cơ chế lồng ghép tín dụng chính sách xã hội với các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chính sách an sinh xã hội. Tăng cường chính sách hỗ trợ tín dụng đối với các hoạt động sản xuất theo chuỗi, liên kết hợp tác nhằm thay đổi phương thức sản xuất, tăng hiệu quả sử dụng vốn cho người nghèo. Chú trọng cấp tín dụng chính sách xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, học sinh, sinh viên nghèo và các trường họp khẩn cấp khác... Thực hiện mức ưu đãi cao nhất dành cho hộ nghèo,vùng khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miềm núi.

- Triển khai có hiệu quả chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới... Ưu tiên tập trung nguồn lực, đa dạng hóa các kênh huy động vốn, nhất là sự tham gia của cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp không vì mục tiêu lợi nhuận để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Quan tâm bố trí nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn có tính chất từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác vào một đầu mối là Ngân hàng Chính sách xã hội. Nghiên cứu xây dựng các Đề án hỗ trợ vốn tín dụng chính sách giai đoạn 2025-2030 để tăng cường nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội. Quan tâm, bố trí kịp thời ngân sách địa phương uỷ thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, phấn đấu hằng năm chiếm tối thiểu từ 20-25% tăng trưởng dư nợ tín dụng chung của Ngân hàng Chính sách xã hội và đến năm 2030 chiếm tối thiểu 15% tổng nguồn vốn.

- Tiếp tục duy trì mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù của Ngân hàng Chính sách xã hội, làm tốt hơn nữa vai trò tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng công tác kiểm tra giám sát. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hiện đại hoá trong hoạt động ngân hàng; khuyến khích phát triển các nền tảng số cho tín dụng chính sách, kiểm soát tín dụng đen một cách hiệu quả. Nâng cao hiệu quả quản trị cơ quan, quản trị vốn vay, giảm nợ xấu, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Nâng cao năng lực quản trị chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp để xây dựng đội ngũ cán bộ có uy tín, phong cách làm việc tiên tiến, hiện đại, tận tâm, tận tuy, phục vụ người dân.

Với sự vào cuộc của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc thực hiện nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới tại huyện Krông Nô sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế ổn định và tăng thu nhập cho nhân dân toàn huyện.

                                                                            


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 2
Hôm nay : 896
Năm 2025 : 661.603
Website huyện