Phê duyệt Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng và huy động lực lượng khi xảy ra cháy rừng mùa khô năm 2024 - 2025 trên địa bàn huyện Krông Nô
Là địa phương nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa hai tiểu vùng khí hậu Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; huyện Krông Nô mang đặc điểm khí hậu chung của khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, nhưng có sự nâng lên của địa hình nên có đặc trưng của khí hậu cao nguyên nhiệt đới ẩm, vừa chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam khô nóng; nền nhiệt độ cao hơn hầu như quanh năm, tổng tích ôn lớn, biên độ nhiệt ngày đêm giao động từ 8-100C, trong khi đó lượng mưa phân bố theo mùa rõ rệt: Mùa mưa có lượng mưa trung bình tháng 254,87 mm, bắt đầu từ tháng 4 kết thúc vào khoảng tháng 10 chiếm khoảng 92% lượng mưa cả năm và mùa khô có lượng mưa trung bình tháng 30,76 mm, bắt đầu từ tháng 11 kết thúc vào khoảng tháng 3 năm sau chiếm khoảng 8% lượng mưa cả năm.
Theo kết quả theo dõi, cập nhật diễn biến rừng và đất lâm nghiệp năm 2023 được UBND huyện phê duyệt tại Quyết định số 372/QĐ-UBND ngày 29/01/2024, huyện Krông Nô có tổng diện tích quy hoạch ba loại rừng là 32.502,10ha (gồm: 17.839,98ha rừng tự nhiên; 1.323,36ha rừng trồng và 13.338,76ha đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp); diện tích rừng ngoài quy hoạch: 6.087,34ha; tỷ lệ che phủ rừng huyện Krông Nô đạt 31,03%. Là địa phương có diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng do UBND cấp xã quản lý trên địa bàn huyện lớn, phân bố rải rác, nhiều diện tích người dân đã canh tác nương rẫy xung quanh; địa hình phức tạp, đường xá đi lại rất khó khăn, do đó việc quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng gặp nhiều khó khan; những năm gần đây, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản về cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ hủy hoại rừng; lực lượng bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng yếu cả về số lượng và chất lượng; một số đơn vị chủ rừng chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ rừng cùng với tình trạng dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc và các tỉnh miền Tây Nam Bộ vào địa bàn, người dân di cư nội vùng để phá rừng lấy đất sản xuất và sinh sống trong rừng, gần rừng ngày càng nhiều dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, công tác phát triển rừng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Do đó, với mục tiêu bảo vệ diện tích rừng hiện còn, giảm thiểu thiệt hại thấp nhất đến tài nguyên rừng khi có cháy rừng xảy ra; kịp thời đề ra các biện pháp và giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng kịp thời, triệt để và hiệu quả nhất; nâng cao khả năng kiểm soát cháy rừng, nâng cao hiệu lực của công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; nâng cao vai trò trách nhiệm, ý thức tự giác của chủ rừng, của các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời, chủ động, kịp thời phòng chống cháy rừng và sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện để chữa cháy rừng (khi có cháy rừng xảy ra), hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng. Ngày 06/11/2024, UBND huyện Krông Nô đã ban hành Quyết định số 3687/QĐ-UBND về việc phê duyệt Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng và huy động lực lượng khi xảy ra cháy rừng mùa khô năm 2024 - 2025 trên địa bàn huyện Krông Nô.
Phương án nêu trên xác định tôn chỉ phòng cháy rừng là chính; các đơn vị chủ rừng, UBND các xã có rừng chủ động xây dựng và thực hiện Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của đơn vị và đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định. Trong công tác chữa cháy rừng, khi ghi nhận thông tin đám cháy, Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng nhanh chóng xác định cụ thể vị trí đám cháy, tính chất, mức độ đám cháy, huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy theo phương châm chữa cháy “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Thông qua các tình huống cháy giả định; các cơ quan có liên quan sẽ chủ động xác định các biện pháp chữa cháy rừng, bố trí lực lượng tham gia chữa cháy rừng, triển khai các biện pháp huy động phương tiện và dụng cụ chữa cháy; qua đó, đảm bảo ứng cứu nhanh, kịp thời dập tắt đám cháy trong thời gian ngắn nhất và hạn chế tối đa thiệt hại về người và của nếu có xảy ra.
Trong những năm qua, việc xây dựng cũng như tổ chức triển khai Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đã được thực hiện có hiệu quả, mang tính khả thi cao nên đã hạn chế mức thấp nhất các vụ cháy và thiệt hại do cháy rừng gây ra. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân trên địa bàn huyện về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; nâng cao khả năng kiểm soát, năng lực chỉ huỷ và hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; giảm thiểu số vụ cháy và thiệt hại do cháy rừng gây ra./.
T/h: KN-Văn phòng HĐND&UBND huyện