A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

DI TÍCH KHẢO CỔ HANG C6-1, XÃ ĐẮK SÔR, HUYỆN KRÔNG NÔ, TỈNH ĐẮK NÔNG ĐƯỢC XẾP HẠNG DI TÍCH QUỐC GIA

Ngày 20/3/2023. Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký Quyết định số 701/QĐ/SVHTT&DL về việc xếp hạng di tích quốc gia đối với Di tích khảo cổ Hang C6-1, thuộc xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.

Khu vực bảo vệ di tích được xác định theo biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ.

Hang động núi  lửa C6-1 ở tọa độ 12030’47,6” vĩ Bắc, 107054’06,2” kinh Đông, cao 346m so với mực nước biển, thuộc loại hang âm, nằm sâu dưới lòng đất. Cửa hang lộ ra nhờ một đoạn vòm hang yếu nhất sụt xuống kiểu giếng trời. Vách đáy giếng có các cửa hang. Hang C6-1 có đến 3 cửa; cửa chính hình bán khuyên, rộng 15m, cao 3,2m. Hang có hình vòm cao, rộng dốc thoai thoải, sâu vào lòng đất, chạy theo hình chữ C lượn quanh một khối đá basalte lớn. Hang tiếp tục mở rộng, ăn sâu và chạy dài dưới lòng đất với tổng chiều dài 293m. Các di tồn văn hóa của cư dân tiền sử tập trung cao ở phần cửa hang chính. Ở đó, nền hang phẳng, rộng, thoáng, sáng và hơi dốc vào trong, tránh ngập nước vào mùa mưa.

Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, năm 2017 các nhà địa chất và khảo cổ đã phát hiện 10 di tích khảo cổ trong số gần 100 hang động núi  lửa ở  Krông  Nô,  tỉnh  Đắk  Nông. Một trong 10 hang đó các nhà địa chất và khảo cổ đã chọn để khai quật  là  hang  C6-1 vào  các  năm  2018  và 2019.  Di  tích  được  khai  quật theo Quyết định số 52/QĐ-BVHTTDL,  ngày  9/1/2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Việt Nam và nằm trong khuôn khổ Đề tài khoa  học mã  số  TN17/T06, của Viện Hàn  lâm  Khoa  học  và  Công  nghệ  Việt Nam, do Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam chủ trì.

Đây là hình ảnh Bộ cốt táng thứ 3 được tìm thấy trong hang C6-1(ảnh st)

Thêm một bộ hài cốt được phát hiện. (Ảnh st)

Theo các nhà nghiên cứu, nhìn chung hang C6-1 đã hội đủ các yếu tố cần thiết cho việc định cư lâu  dài của  con người.  Đó  là lòng hang rộng, tiếp nhận nhiều ánh sáng, nền  hang  phẳng,  dốc nghiêng vào trong, đi lại trong hang dễ dàng, không bị ngập nước vào mùa mưa; hang có nhiều cửa, lòng hang thông thoáng; kết cấu đá vòm hang về cơ bản đã ổn định, an toàn tho việc sinh hoạt trong hang. Cửa hang nằm sâu khoảng 4m so với mặt đất, lối lên xuống dễ dàng. Xung quanh hang có các mảng rừng thưa, thành phần động, thực vật phong  phú, đa dạng, có nhiều loài làm thực phẩm, nuôi sống con người. Nguồn nước sinh hoạt ở đây dồi dào, gồm sông Sêrêpôk và hệ thống chi lưu của nó, đặc biệt là thác nước Draysap nổi tiếng trong vùng.

 

Các nhà nghiên cứu khảo sát hang C6.1 (ảnh: Báo Đắk Nông)

Kết quả các lần khai quật đã phát hiện được 14 di tích bếp lửa, 7 mộ táng có di cốt người được chôn theo tư thế nằm nghiêng co hoặc ngồi bó gối. Về di vật, thu được 76.425 mảnh xương động vật và hàng chục vạn vỏ các loài nhuyễn thể; hàng nghìn mảnh phế liệu, đá nguyên liệu và 179 công cụ đá, nổi bật là nhóm công cụ kiểu văn hóa Hòa Bình như rìu hình bầu dục, rìu ngắn, hình đĩa, công cụ hình bàn là; ngoài ra còn có 1.276 mảnh gốm và 1 mũi tên đồng.

 

Các nhà khảo cổ học khai quật hang (ảnh: Báo Đắk Nông)

Dựa vào cấu trúc tầng văn hóa, hệ thống niên đại cùng tổ hợp di vật có thể thấy hang C6-1 gồm 2 giai đoạn văn hóa: giai đoạn sớm tồn tại từ 7.000 đến 5.500 năm BP; giai đoạn muộn có niên đại từ 5.500 năm đến khoảng 4.000 năm BP. Những kết quả nghiên cứu về hang C6-1 đã mang lại những nhận thức mới: 1- Lần đầu tiên giới khảo cổ học Việt Nam và Đông Nam Á biết đến một loại hình di tích khảo cổ hang động núi lửa; 2-Trong tiến trình lịch sử, trên đất Tây Nguyên thực sự đã tồn tại một giai đoạn trung kỳ Đá mới sau Hòa Bình. Các cư dân ở đây vẫn bảo lưu các yếu tố văn hóa Hòa Bình song đã xuất hiện các yếu tố mới do sự thích ứng của cư dân thời tiền sử với môi trường hoạt động núi lửa trên đất Tây Nguyên.

      Đi kèm với các quyết định trên, Bộ VHTTDL lịch yêu cầu UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.


Tác giả: Trần Thanh Tuyền
Nguồn:Viện khảo cổ học - Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 2
Hôm nay : 824
Năm 2024 : 649.914
Website huyện