Krông Nô chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, dịch bệnh Cúm
UBND huyện Krông Nô ban hành Công văn số 279/UBND-YT, ngày 13/02/2025 về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh cúm trên địa bàn huyện.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tại thời điểm giao mùa đông xuân 2024-2025, tình hình mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính có xu hướng gia tăng trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, đến tháng 10 năm 2024, ghi nhận 09 trường hợp dương tính với cúm A/H1pdm tại tỉnh Bình Định, trong đó có 04 trường hợp tử vong trên nền người cao tuổi mắc bệnh mãn tính. Tại một số Bệnh viện lớn ở Hà Nội, ghi nhận nhiều ca bệnh cúm nặng do mắc cúm A phải can thiệp ECMO.
Trên địa bàn huyện Krông Nô nói riêng và tỉnh Đắk Nông nói chung, từ đầu năm 2025 đến nay chưa ghi nhận các trường hợp mắc bệnh cúm. Tuy nhiên, trước bối cảnh tình hình mắc bệnh Cúm trong nước và trên thế giới có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, nguy cơ xuất hiện các ca mắc bệnh Cúm trên địa bàn trong thời gian tới là rất cao nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống.
Do đó, để chủ động phòng chống, dịch bệnh cúm trên địa bàn; Uỷ ban nhân dân huyện chỉ đạo như sau:
Trung tâm Y tế huyện tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh cúm, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng. Đẩy mạnh giám sát các trường hợp viêm phổi nặng và các chùm trường hợp bệnh cúm tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh. Kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
Đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị, đặc biệt chú ý đối với các trường hợp mắc cúm trong nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, lao phổi, tiểu đường, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS,...) người già và trẻ em.
Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, phòng chống bệnh cúm, chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, chăm sóc người bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo trong cơ sở điều trị.
Thực hiện rà soát đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực...phục vụ hoạt động phòng, chống dịch.
Phòng Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm theo hướng dẫn của ngành Y tế; thực hiện việc theo dõi sức khỏe của trẻ em, học sinh và thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời; vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp: Phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tổ chức giám sát triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm theo quy định. Phối hợp với các đơn vị chuyên môn chủ động lấy mẫu xét nghiệm giám sát sự lưu hành của vi rút cúm gia cầm tại các nơi có nguy cơ cao trên địa bàn huyện; phát hiện kịp thời để chủ động trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm. Phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập Đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn.
Phòng Văn hóa và Thông tin; Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện: Chỉ đạo, định hướng các nội dung, hoạt động tuyên truyền về dịch bệnh cúm, nguy cơ mắc bệnh cúm và các biện pháp phòng, chống bệnh cúm; vận động người dân chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cúm đối với các chủng cúm đã có vắc xin. Phối hợp với ngành Y tế huyện và các đơn vị có liên quan cập nhật thường xuyên, kịp thời thông tin về tình hình dịch bệnh để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Tăng cường truyền thông, tuyên truyền vận động người dân chủ động tiêm vắc xin và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Hạn chế tụ tập đông người; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và sử dụng khẩu trang khi đến các địa điểm công cộng, khu tập trung đông người; khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ cúm như sốt, ho, sổ mũi,… nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và xác định bệnh. Từ đó, có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho những người xung quanh.
Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn: Khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh cúm. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân chủ động đi tiêm vắc xin phòng cúm, thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh cúm; chú trọng các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà ở, đeo khẩu trang khi đến các khu vực công cộng. Chỉ đạo Trạm y tế, Y tế thôn, buôn, TDP và các đoàn thể cấp xã tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh cúm, cách ly, điều trị, xử lý kịp thời ổ dịch, khống chế sự lây lan trong cộng đồng. Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh cúm trên địa bàn quản lý và triển khai các biện pháp phòng, chống theo quy định, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân huyện nếu xảy ra tình trạng dịch bệnh lan rộng, khó kiểm soát.