Đây không chỉ là sự chắt lọc tinh hoa văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc M’nông nói riêng mà đó là cả một quá trình nỗ lực trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của bà con đồng bào, là sự đoàn kết keo sơn trong cộng đồng các dân tộc anh em.
Lễ Cúng bến nước được tổ chức với mục đích cúng tạ thần nước đã đem lại những may mắn trong năm cũ và cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi cho năm sau. Lễ cúng bến nước người đồng bào M’nông diễn ra sau mùa trồng trọt, ngoài ý nghĩa tâm linh, lễ cúng bến nước còn truyền đi thông điệp giáo dục mọi người có trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ rừng, đất đai và nguồn nước, bởi từ xa xưa nguồn nước được xem là báu vật của cộng đồng.
Trước đây người M’nông thường sống “du canh du cư”, tìm nguồn nước là yêu cầu thiết yếu để chọn nơi lập bon mới do đó khi tìm được nơi có nguồn nước trong vắt (thường nằm ở đầu nguồn nước như trong mạnh núi đá chảy ra, đầu suối, đầu sông hồ) thì phải làm lễ xin thần (Yàng) cho phép gia đình, bà con trong bon được về đây cư ngụ và sử dụng nguồn nước đó, nơi này sẽ là “bến nước” của gia đình và bon làng.
Theo tín ngưỡng của người M’nông, Bến nước có thần linh cư ngụ và cai quản là vùng nước thiêng, là bầu sữa của thần linh ban cho bà con. Để tạ ơn thần linh, hằng năm sau khi vụ mùa kết thúc, trước khi bước vào vụ sản xuất mới già làng chọn ngày cùng với thầy cúng chủ trì công việc cúng bến nước. Già làng mời bà con trong bon họp bàn để phân công công việc như: dọn dẹp bến nước, nhà cửa, chuẩn bị lễ vật, đội chiêng – đội múa, chuẩn bị thức ăn,…người đóng góp công sức, người góp vật chất như gà, heo, rượu cần,…mọi người cùng nhanh chóng chuẩn bị những việc đã được phân công trong không khí vui vẻ, rộn ràng hạnh phúc.
Ngay tại bến nước cắm một cột lễ và cây nêu, trên cây nêu trang trí mô phỏng sừng trâu, chim, bông lúa,… lễ cúng bến nước gồm 2 phần: phần lễ cúng mời các thần linh, tổ tiên về tham dự và chứng giám lễ cúng đầu nguồn nước và phần hội. Phần lễ sẽ cúng vật hiến sinh gồm 1 con gà trống tơ (hoặc 1 con heo con), gạo, đèn sáp ong và 1 ché rượu cần. Khi lễ cúng bắt đầu, thầy cúng và già làng khấn báo sự việc bon tổ chức lễ cúng, mời tổ tiên, ông bà của chủ bến nước và các thần linh cùng về dự lễ. Khi lễ cúng kết thúc, phần hội được tiếp tục trong tiếng chiêng trầm ấm, rộn rã tiếng cười cùng các điệu múa của các thiếu nữ, lời hỏi thăm nhau của những người dự lễ, mọi người từ già trẻ, nam nữ của trong bon cũng như ngoài bon được mời tham dự quây quần bên nhau cùng ăn và uống rượu cần.
Trong truyện cổ của người M’nông có kể câu chuyện liên quan đến nghi lễ Cúng bến nước “dân làng cúng thần đầu sông bằng thịt trâu thịt bò thật, cúng thần cuối sông bằng hình nộm, vật tế lễ trôi sông thành vật thật, nên thần cá sấu tha hồ mà nhận lễ vật, tha hồ ăn quanh năm suốt tháng, không đói lòng để phải ngược dòng kiếm ăn. Và từ đó, dòng sông cũng ít dâng lũ, trẻ con, người già ít chết đuối, trâu bò qua sông, qua suối cũng không bị hại. Dân làng không còn nghe tiếng đất lở, đá lăn bên sông nữa. Họ tắm sông, tắm suối, xúc cá, bắt tôm, quăng chài thả lưới hàng ngày rất bình yên. Để tạ ơn hàng năm cứ vào dịp mùa khô, bon làng đều làm lễ cúng bến nước. Họ dựng nêu, giết các con vật làm vật tế lễ với các thần. Họ khấn thần đầu nguồn cho họ nước sông suối quanh năm trong lành, họ khấn thần cuối nguồn đừng gây tai họa cho dân làng.
Ngày nay, tuy đã được giản lược và điều chỉnh một số khâu tổ chức để phù hợp với điều kiện của mỗi bon nhưng lễ cúng bến nước của người M’nông vẫn giữ được những nét độc đáo, việc gìn giữ bến nước. Lễ cúng bến nước còn truyền đi thông điệp giáo dục mọi người trong bon có trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ rừng, đất đai, nguồn nước, coi nguồn nước là báu vật của cả cộng đồng đồng thời răn dạy con cháu phải tôn trọng thần nước và các vị thần đã có công bảo vệ nguồn nước luôn dồi dào, ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bộ thu, gìn giữ và bảo vệ bình an cho bon làng.
Nhằm gìn giữ, bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trong đời sống cộng đồng các dân tộc nói chung và dân tộc M’nông trên địa bàn huyện nói riêng. Đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Trong 02 ngày 05/12 đến 06/12 /2024 tại xã Nâm Nung, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Krông Nô đã phối hợp với UBND xã Nâm Nung tổ chức LỄ HỘI CÚNG BẾN NƯỚC DÂN TỘC M'NÔNG NĂM 2024.
Một số hình ảnh tại lễ cúng