Tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi
Bệnh sởi là bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus gây ra, thường gây sốt, phát ban và có khả năng truyền nhiễm. Bệnh có khả năng lây lan nhanh từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc thông thường như: Tiếp xúc gần với người bị bệnh sởi; chạm vào bề mặt có chứa virus rồi chạm vào miệng, mũi hoặc mắt; lây từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai, sinh nở hoặc cho con bú…
Biểu hiện của bệnh sởi khá đa dạng, mức độ tùy từng trường hợp. ở giai đoạn đầu, sau khi đi vào cơ thể qua đường hô hấp, virus sởi thường ủ bệnh trong vòng 10 đến 12 ngày; trong giai đoạn này, các triệu chứng sởi không xuất hiện. Sau giai đoạn ủ bệnh, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu đầu tiên của sởi như sốt nhẹ đến vừa, ho khan, chảy mũi, viêm kết mạc mắt. Sau đó, chuyển sang giai đoạn phát ban. Phát ban là triệu chứng sởi điển hình. Ban sởi dạng dát sẩn, ban gồ trên bề mặt da, không đau, không hoặc ít ngứa và không mưng mủ. Ban sởi sẽ mọc tuần tự trên da theo thứ tự từ đầu, mặt, cổ, sau đó đến ngực, lưng, cánh tay và cuối cùng là bụng, mông, đùi và chân. Khi ban sởi mọc đến chân, bệnh nhân hết sốt và ban bắt đầu lặn dần. Bệnh sởi và sốt phát ban thường dễ bị nhầm lẫn do các biểu hiện ban đầu khá tương đồng. Trong khi sốt phát ban được xem là bệnh lành tính, thì sởi lại có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị sởi đặc hiệu riêng. Bệnh có thể tự khỏi theo thời gian, kết hợp với các biện pháp dùng thuốc, nghỉ ngơi, ăn uống hỗ trợ điều trị; tiêm vắc xin phòng sởi ngay từ đầu là biện pháp ngăn ngừa bệnh hiệu quả.
Bệnh sởi có biến chứng vô cùng nguy hiểm, không chỉ gây ra các triệu chứng cấp tính, mà còn có thể gây viêm nhiễm thần kinh, rối loạn cơ, hệ vận động, ảnh hưởng lên nhiều cơ quan trên cơ thể; tổn thương lên các cơ quan có thể kéo dài, thậm chí có những trường hợp kéo dài vĩnh viễn như viêm não, viêm màng não, mù lòa…
Trước diễn biến có xu hướng gia tăng bệnh sởi tại một số địa phương, có địa phương đã công bố dịch sởi. Để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, không để bệnh sởi lây lan, bùng phát trên diện rộng; ngày 14/11/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 116/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi. Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, các chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi và công tác giám sát phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch; tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của người bệnh; chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế tổ chức thu dung, điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực trong giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh sởi. Chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sởi theo hướng dẫn của ngành y tế; thực hiện việc theo dõi sức khỏe của trẻ em, học sinh và thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời; vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh; chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan, bùng phát; thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh; phối hợp chặt chẽ với các địa phương lân cận, chia sẻ, cập nhật tình hình dịch bệnh và thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát dịch sởi; khẩn trương tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là tại các địa bàn có nguy cơ bùng phát bệnh sởi hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh sởi thấp; không bỏ sót các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ vắc xin sởi; tuyên truyền, vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sởi và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế; hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu mắc bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời; bảo đảm hậu cần, thuốc, thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống bệnh sởi; đảm bảo vắc xin khi công bố dịch sởi và tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm./.
T/h: KN-Văn phòng HĐND&UBND huyện