A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NỀN NÔNG NGHIỆP HUYỆN NỖ LỰC PHÁT TRIỂN THEO HƯỚNG CÔNG NGHỆ CAO, ĐỒNG THỜI, TẬN DỤNG CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐỂ MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG

Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Đối với huyện thuần nông như Krông Nô thì việc chuyển đổi số càng có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa, mở ra cơ hội phát triển nhanh, bền vững, hội nhập với thị trường quốc tế. Xác định rõ điều đó, nhiều năm gần đây, huyện Krông Nô cũng đã có những bước phát triển nền nông nghiệp phù hợp với xu hướng tất yếu, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp huyện vươn cao, vươn xa hơn.

Từ lâu vùng đất Buôn Choah, huyện Krông Nô đã được mệnh danh là “vựa lúa gạo” của khu vực Tây Nguyên, với năng suất và sản lượng lớn, cung cấp gạo chất lượng cao cho thị trường. Hiện nay, cánh đồng Buôn Choah là cánh đồng sản xuất lúa nước lớn nhất tỉnh quy mô 600 ha. Vùng này có 408 hộ dân và 2 HTX tham gia sản xuất lúa. Người dân, HTX ở đây đều áp dụng quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Quá trình sản xuất lúa, bà con sử dụng các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường, an toàn với người sử dụng. Nhờ áp dụng công nghệ vào sản xuất, sản phẩm gạo của HTX Sản xuất lúa gạo Buôn Choah đã đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 4 sao; còn sản phẩm gạo của HTX Nông nghiệp Buôn Choah đạt OCOP hạng 3 sao. Người dân xã buôn chaoah cũng áp dụng các loại máy móc vào sản xuất, đã đầu tư 2 máy bay không người lái để phun thuốc, bón phân thay thế cho sức lao động của con người.

HTX Sản xuất lúa gạo Buôn Choah đầu tư máy bay không người lái chăm sóc lúa nhiều năm qua.

      

Đồng chí Bùi Ngọc Sơn, Phó BT Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện tham quan cánh đồng lúa Buôn Choah.

      Đối với HTX sản xuất nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú đã tạo ra sản phẩm hữu cơ, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Hiện sản phẩm Cam sành hữu cơ, quýt ngọt hữu cơ của HTX Nông, lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú đã đạt danh hiệu sản phẩm OCOP 4 sao. Trung bình mỗi năm, hợp tác xã cung cấp khoảng 100 tấn trái cây và 80 tấn rau củ quả  các loại ra thị trường. Với thông điệp sản xuất muốn lan tỏa “nông nghiệp tử tế” gắn với phát triển du lịch sinh thái trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông”, những năm gần đây, sản phẩm của HTX dễ dàng vượt qua các đợt kiểm tra chất lượng của nhiều hệ thống cửa hàng, siêu thị trong nước cũng như thị trường của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Để các sản phẩm của HTX vươn xa hơn, bên cạnh quá trình sản xuất hữu cơ, an toàn trên đồng ruộng của người dân thì HTX rất mong muốn ngành chức năng, chính quyền các cấp hỗ trợ doanh nghiệp cách thức kiểm soát, kiểm tra được hoạt động, quy trình sản xuất ngay tại vườn để người tiêu dùng yên tâm tuyệt đối tin dùng sản phẩm. Từ khâu chuẩn bị sản xuất đến khi đưa sản phẩm ra thị trường cũng như quảng bá giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của địa phương mạnh hơn trên các nền tảng số.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên tham quan gian hàng trưng bày của huyện.  

 Theo ông Nguyễn Huy Phong, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Nô cho biết, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và các dự án đã tạo sự thay đổi lớn trong sản xuất nông nghiệp của người dân ở Krông Nô nói chung, của các hợp tác xã nông nghiệp nói riêng. Trước xu thế tất yếu của thời đại 4.0, thời gian qua, huyện đã tăng cường tập huấn  nâng cao kiến thức cho các hộ sản xuất, các hợp tác xã về chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp; hỗ trợ 1 phần kinh phí cho 1 số hợp tác xã về máy móc, nhà xưởng sau thu hoạch; xây dựng hỗ trợ các HTX thực hiện sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP, 4C, UTZ, Rainforest với diện tích trên 2.500 hecta. Ngoài ra, huyện đã chủ động phối hợp với phối hợp với Viettel, Bưu điện huyện triển khai hướng dẫn, tập huấn đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ máy móc, trang thiết bị, kho bãi cho các HTX phục vụ sản xuất, chế biến và bảo quản; xây dựng 2 nhãn hiệu hàng hoá tập thể gồm: “Lúa gạo Krông Nô” cho HTX Sản xuất lúa gạo Buôn Choah và “Bơ núi lửa Krông Nô” cho HTX Dịch vụ bơ núi lửa Krông Nô.. Nhờ đó, hiện toàn huyện có 16 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, 12 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Tất cả sản phẩm đạt OCOP của các HTX đều được địa phương hỗ trợ tham gia các sàn thương mại điện tử như: SamMoOCOP, Postmart, VOSO. Nhiều HTX được hỗ trợ sử dụng các trang mạng như zalo, facebook để giới thiệu, bán hàng.

      Để tiếp tục phát huy thế mạnh nông sản huyện Krông nô trên thị trường, bên cạnh  mở rộng vùng sản phẩm nông nghiệp cao, phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện sản xuất, quy hoạch được khoảng 3.800 hecta, huyện tập trung đẩy mạnh số hoá dữ liệu, thông tin ngành nông nghiệp phục vụ kết nối thuận lợi, hiệu quả nhất giữa người dân, doanh nghiệp, HTX, Nhà nước, thị trường. Huyện khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn cơ sở dữ liệu, thông tin; tiếp tục đẩy mạnh nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho người dân, trọng tâm là các HTX nông nghiệp phù hợp với xu hướng tất yếu của thị trường tiêu thụ trong nước và thế giới./.


Tác giả: Bích Thuỷ
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 718
Năm 2024 : 691.419
Website huyện