A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Krông Nô tập trung xây dựng các sản phẩm OCOP

Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Krông Nô đã lựa chọn những loại sản phẩm đặc trưng trên địa bàn tập trung hình thành vùng nguyên liệu để đầu tư sản xuất, chế biến, quảng bá, xúc tiến thương mại...

Thực hiện chương trình OCOP, trong thời gian qua huyện Krông Nô đã tập trung đầu tư sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu theo quy trình VietGAP; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa tập thể, hình thành các liên kết sản phẩm theo chuỗi giá trị và thiết kế bao bì, tem truy xuất nguồn gốc…

Cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện Krông Nô

Lúa gạo Krông Nô được xem là một trong những sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh, nên thời gian qua, huyện đã hướng dẫn những người trồng lúa tham gia thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) để tổ chức sản xuất một cách bài bản. Hiện nay, huyện đã xây dựng được vùng nguyên liệu lúa nước hơn 150 ha.

Tháng 4/2019, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã cấp chứng nhận sản phẩm "Lúa gạo Krông Nô". Trên cơ sở này, huyện đã xây dựng nhãn hiệu hàng hóa tập thể, logo, bao bì, tem, nhãn mác của sản phẩm này để hỗ trợ cho HTX. Sản phẩm lúa gạo Krông Nô cũng thường xuyên được trưng bày tại cửa hàng sản phẩm nông nghiệp của huyện.

Trên địa bàn Krông Nô còn có sản phẩm bơ đạt chất lượng cao. Hầu hết diện tích bơ ở đây đều được trồng trên trầm tích núi lửa, nên giàu khoáng chất, thơm dẻo, có màu vàng đặc trưng. Sản phẩm bơ Krông Nô từng đoạt giải nhất trong cuộc thi trái bơ ngon tại Lễ hội "Đắk Nông mùa bơ chín" năm 2018. Để phát huy những lợi thế này, huyện đã đầu tư sản xuất 15,5 ha bơ theo tiêu chuẩn VietGAP. Huyện cũng xây dựng đề án cải tạo vườn bơ, hình thành và phát triển vùng chuyên canh ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, huyện đang xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm bơ Krông Nô.

Đối với sản phẩm cà phê bột, so với các địa phương khác, cà phê bột của huyện còn non trẻ, quy mô nhỏ, nhưng cũng nhiều tiềm năng phát triển. Hiện trên địa bàn huyện đang có 4 cơ sở rang xay, chế biến cà phê bột. Đặc biệt, huyện đã có 2 sản phẩm cà phê bột được hội đồng OCOP cấp huyện đánh giá hạng 3 sao, đó là cà phê bột của HTX Thành Thái và "Tin True Coffee" của một đơn vị tư nhân.

Cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện Krông Nô

Ông Lang Thế Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thành Thái cho biết, đơn vị được thành lập năm 2017, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến cà phê. Hiện nay, HTX có 200 thành viên trên địa bàn các xã Nâm Nung, Đắk D'rô, Tân Thành, với vùng nguyên liệu khoảng 500 ha theo quy trình tiêu chuẩn 4C. Sau khi đi vào hoạt động và hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, HTX đã mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị để tiến hành chế biến cà phê rang xay chất lượng cao. Mỗi vụ, HTX đã sản xuất được khoảng 100 tấn cà phê nhân theo tiêu chuẩn 4C, UTZ. Cùng với đó, HTX đã chế biến được cà phê bột và cà phê hòa tan bán ra thị trường.

"Việc cà phê của HTX trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương khiến cho chúng tôi rất tự hào. Chúng tôi mong muốn thời gian tới việc kết nối thị trường đầu ra cho sản phẩm gặp được nhiều thuận lợi hơn", ông Thành cho biết.

 

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Nô, để xây dựng Chương trình OCOP, huyện Krông Nô đã tiến hành rà soát, đánh giá các sản phẩm đặc trưng, khác biệt, có tiềm năng của huyện để đưa vào danh mục tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển theo các tiêu chuẩn VietGAP, UTZ, 4C… Những sản phẩm được chọn để xây dựng OCOP sẽ được hình thành vùng nguyên liệu và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Huyện cũng quyết tâm đưa các sản phẩm OCOP đến với nhiều du khách, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương một cách rộng rãi hơn.

 

Ngoài các sản phẩm trên, huyện Krông Nô cũng đang định hướng phát triển các sản phẩm đặc trưng khác. Trong đó, huyện đã xác định được tiềm năng của các sản phẩm như hồ tiêu, các loại cây có múi, đinh lăng, sâm cau, nấm linh chi, bò khô…

Để giới thiệu sản phẩm OCOP đến với đông đảo người dân, du khách, huyện Krông Nô đã đầu tư cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tại thị trấn Đắk Mâm. Ngoài ra, huyện đã liên hệ với Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Liên Thành (đơn vị khai thác Khu du lịch thác Đray Sáp) bố trí khu vực quầy hàng để các đơn vị, cơ sở có sản phẩm OCOP ký gửi hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm.

Theo baodaknong.org.vn


Bản in



Nguồn:krongno.daknong.gov.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 100
Hôm nay : 696
Năm 2024 : 649.786
Website huyện