Căn cứ vào sử liệu địa phương và lời kể của một sốgià làng ở Krông Nô thì N’Trang Gưh, tên thật là Y Gưh H’Đớk, là người dân tộc Ê đê, sinh khoảng năm 1845, tại buôn Choáh Kplang, nay thuộc xã Buôn Choáh (Krông Nô). Tương truyền, N’Trang Gưh là người tài cao, đức rộng và là một thành viên săn bắn giỏi của buôn nên có nhiều của cải quý giá như sừng tê giác, ngà voi. Không những thế, ông còn biết tính toán làm ăn giỏi nên mỗi khi đến mùaluôn thu được nhiều lúa, ngô, nuôi được nhiều trâu, bò, heo, gà... có uy tín trong buôn gần, làng xa, được mọi người yêu quý. Ngoài giàu có về của cải, ông còn là người giàu lòng thương người vì luôn hướng dẫn bà con những kinh nghiệm săn bắt, chăn nuôi, trồng trọt và sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khó, hoạn nạn, mất mùa. Cuộc sống bà con buôn làng trong vùng đang bình yên, hạnh phúc thì tai họa ập đến. Năm 1884, quân Xiêm tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, đánh chiếm vùng hạ lưu sông Krông Nô và Krông Ana. Hưởng ứng lời kêu gọi của N’Trang Gưh, người dân ở 20 buôn người Bih sống trên lưu vực sông Krông Nô và Krông Ana đã đứng lên chống ngoại xâm. Nghĩa quân do N’Trang Gưh chỉ huy có đến 600 người, không có súng, chỉ dùng các loại vũ khí thô sơ: cung tên, giáo mác… Nhằm tăng thêm sức mạnh, N’Trang Gưh đã tạo ra một loại nỏ khá đặc biệt, chưa ở đâu có. Nỏ có chiều dài quá đầu người, thành nỏ rộng một gang tay, mỗi lần bắn ra 3 mũi tên. Với thứ vũ khí lợi hại này, cộng với tinh thần dũng cảm, kiên cường và mưu trí, năm 1887, nghĩa quân N’Trang Gưh đã bao vây tiêu diệt toàn bộ quân Xiêm ngay trên cánh đồng buôn Tur và buôn Phok (một làng người Ê đê nằm trên hạ lưu sông Krông Ana). Chiến thắng vẻ vang của nghĩa quân N’Trang Gưh đã đập tan cuộc xâm lược của quân Xiêm, giúp đồng bào yên tâm lao động sản xuất, xây dựng buôn làng.
Đ/C: Ngô Thanh Danh - Bí thư Tỉnh ủy, trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, thắp hương, tưởng niệm tại khu lưu niệm.
Những năm đầu thế kỷ XX, bộ máy cai trị của chính quyền thực dân Pháp đã thâu tóm và kiểm soát gần như toàn bộ số buôn, bon của đồng bào bản địa trên vùng đất Tây Nguyên. Buốc Gioa (Bourgeois), công sứ Pháp đầu tiên tại Đắk Lắk đã ngang nhiên dùng vũ lực quân sự xua đuổi người Ê đê,M’nông đi nơi khác, chiếm lấy buôn, bon, đất đai, nương rẫy, bến nước để thiết lập các đồn điền và xây dựng hệ thống đồn bốt. Quy mô các đồn điền ngày càng mở rộng thì chế độ bắt xâu đối với người Ê đê, M’nông ở các buôn, bon càng ráo riết và tàn bạo. Đồng bào bị bắt vào làm phu trong các đồn điền của Pháp, mỗi ngày họ phải lao động từ 14 đến 15 giờ. Chính sách thống trị hà khắc, tàn bạo của thực dân đã làm cho người dân địa phương lâm vào cảnh bần cùng, khổ ải nên căm phẫn cao độ. Đầu năm 1900, quân Pháp đánh chiếm các buôn của người Bih dọc lưu vực sông Krông Nô và Krông Ana. N’Trang Gưh đã lãnh đạo nghĩa quân chiến đấu chống lại quân xâm lược, nổi tiếng nhất là trận tiêu diệt đồn buôn Tur. Vào một buổi sáng năm 1901, dưới sự chỉ đạo của N’Trang Gưh, nghĩa quân đã vượt sông Krông Nô bao vây đồn Tur, dùng ná bắn được nhiều tên giặc rồi tấn công vào đồn. Chỉ một thời gian ngắn, toàn bộ quân địch đồn trú tại đây bị tiêu diệt, tên thực dân Buốc Gioa, kẻ có nhiều nợ máu với nhân dân chết gục trước sân đồn. Thừa thắng, nghĩa quân tiếp tục tiến công, lần lượt tiêu diệt các đồn khác của thực dân như đồn buôn Jiăng, đồn buôn Dur... (nay là buôn Jiăng thuộc xã EaBông, buôn Dur thuộc xã Dur Kmăn, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk). Từ năm 1901 đến 1913, quân Pháp liên tục mở nhiều cuộc hành quân khá quy mô, truy quét, nhằm tiêu diệt và thôn tính phong trào. Nhưng với sự lãnh đạo tài tình và dũng cảm của N’Trang Gưh, nghĩa quân đã chiến đấu trong suốt 13 năm. Năm 1914, do trong hàng ngũ nghĩa quân có người phản bội, địa điểm đóng quân của N’Trang Gưh bị tiết lộ, nên ông bị Pháp bắt, kết án tử hình.
Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Krông Nô thắp hương tưởng niệm
Sau khi N’Trang Gưh mất, thi thể của ông được nhân dân đưa về chôn cất tại quê hương, nơi ông sinh ra là buôn Choáh xã buôn Choah (Krông Nô).
hành trình về nguồn, đến địa chỉ đở của thế hệ trẻ
Để ghi nhớ địa điểm từng để lại nhiều dấu ấn lẫy lừng của người tù trưởng buôn làng Ê Đê, người anh hùng của các dân tộc Tây Nguyên, ngày 2-8-2011, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2366/QĐ-BVHTTDL xếp hạng địa điểm lưu niệm N’Trang Gưh là Di tích lịch sử cấp quốc gia.