A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Sốt xuất huyết Dengue (SXHD).

 

Thực hiện ý kiến kết luận, chỉ đạo của đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Trưởng đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh Sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố Gia Nghĩa và huyện Đắk R’Lấp tại Thông báo số 948/TB-VPUBND ngày 20/6/2024 của Văn phòng UBND tỉnh; Công văn số 1987/SYT-NVYD ngày 30/6/2024 của Sở Y tế tỉnh Đắk Nông về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Sốt xuất huyết Dengue (SXHD). Uỷ ban nhân dân huyện Krông Nô chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) trên địa bàn huyện.

Tính đến ngày 27/6/2024, trên địa bàn huyện ghi nhận 24 ca mắc Sốt xuất huyết (giảm 02 ca so với cùng kỳ năm 2023) xảy ra tại 7/12 xã, thị trấn; cụ thể: Nam Đà 07 ca, TT Đắk Mâm 05 ca, Nâm Nung 04 ca, Đắk Drô 02 ca, Quảng Phú 02 ca, Nâm N’Đir 02 ca, Đắk Nang 02 ca; ghi nhận 03 ổ dịch (Nam Đà 01 ổ dịch tại thôn Nam Sơn; TT Đắk Mâm 02 ổ dịch tại TDP 1 và TDP 3), chưa có trường hợp tử vong. Dịch bệnh SXHD có xu hướng diễn biến theo mùa, với tốc độ lây truyền thường cao nhất trong và sau mùa mưa; vì vậy, để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch Sốt xuất huyết có thể gia tăng số ca mắc trong thời gian tới cần có sự chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng dịch của các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, không để dịch bùng phát, lan rộng, hạn chế tối đa số mắc và tử vong.

 

Uỷ ban nhân dân huyện yêu cầu các cơ quan, ban ngành, đoàn thể cấp huyện, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện một số nội dung:

1. Tiếp tục chỉ đạo, quán triệt đội ngũ CBCCVC, người lao động thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy trong khuôn viên hộ gia đình và tại cộng đồng, khu dân cư sinh sống. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người thân, nhân dân thực hiện các chiến dịch ra quân vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm để xử lý môi trường, không có nơi muỗi sinh sản, phát triển.

2. Phòng Y tế

Chủ trì, phối hợp với Trung tâm Y tế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động phòng chống Sốt xuất huyết tại các địa phương, đặc biệt công tác tổ chức hoạt động ra quân vệ sinh môi trường, xử lý triệt để các ổ lăng quăng, bọ gậy. Báo cáo kết quả chỉ đạo triển khai của các xã, thị trấn để Lãnh đạo UBND huyện có hướng chỉ đạo, xử lý kịp thời.

Tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý nghiêm theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế đối với các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình cố tình không hợp tác với chính quyền, ngành Y tế trong phòng, chống dịch bệnh SXHD và để dụng cụ chứa nước có bọ gậy/lăng quăng khi đã được kiểm tra, hướng dẫn.

3. Trung tâm Y tế

- Giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch Sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài.

- Chỉ đạo Khoa kiểm soát bệnh tật tăng cường giám sát việc triển khai hoạt động xử lý ổ dịch tại các địa phương và phối hợp với Phòng Y tế kiểm tra việc triển khai của các xã, thị trấn thường xuyên, đột xuất.

- Tổng hợp lịch ra quân vệ sinh môi trường của các xã, thị trấn để theo dõi, kiểm tra, giám sát; đồng thời gửi về Sở Y tế theo đúng thời gian quy định.

- Theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh Sốt xuất huyết tại các địa phương; tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các bộ phận liên quan phối hợp với các Trạm y tế thực hiện nghiêm túc công tác giám sát ca bệnh, giám sát véc tơ và xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch chậm nhất trong vòng 48 giờ ngay sau khi phát hiện; tăng cường giám sát chủ động tại các điểm nguy cơ cao, ổ dịch cũ.

- Tăng cường giám sát hoạt động véc tơ tại các điểm nguy cơ dịch bệnh Sốt xuất huyết trên địa bàn để chủ động khuyến cáo, hướng dẫn chính quyền địa phương triển khai ngay các biện pháp đáp ứng phòng, chống dịch khi ghi nhận chỉ số véc tơ cao vượt ngưỡng.

-  Tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đảm bảo đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, thuốc men, dịch truyền, hoá chất phục vụ công tác phòng, chống và điều trị bệnh Sốt xuất huyết.

- Cập nhật đầy đủ, kịp thời và chính xác tình hình dịch bệnh Sốt xuất huyết, bao gồm: Báo cáo thông tin ca bệnh, tình hình và diễn biến ổ dịch trên hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế.

4. Phòng Giáo dụcĐào tạo

- Chỉ đạo các đơn vị Trường học tăng cường công tác vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy toàn bộ khuôn viên trường học trong thời gian nghỉ hè để hạn chế việc phát sinh dịch bệnh ra các địa bàn xung quanh; đảm bảo an toàn trước khi bước vào năm học mới.

- Chỉ đạo các trường chủ động phối hợp với ngành y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên và phụ huynh, học sinh hiểu biết về dịch bệnh Sốt xuất huyết. Tích cực tham gia vào chiến dịch phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy tại gia đình và cộng đồng theo hướng dẫn của ngành Y tế.

5. Phòng Văn hóaThông tin, Trung tâm VHTT&TT huyện

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động và hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Sốt xuất huyết, thu dọn vật dụng phế thải chứa nước, nơi lăng quăng, bọ gậy, muỗi phát triển; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn để người dân chủ động, tích cực thực hiện phòng, chống dịch, đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị khi có dấu hiệu mắc bệnh.

6. Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn

- Giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch Sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài.

- Đẩy mạnh công tác diệt lăng quăng, bọ gậy bằng các biện pháp: (1) Kiện toàn và kích hoạt tổ xung kích đến từng nhà tuyên truyền phòng, chống Sốt xuất huyết, kiểm tra, xử lý, diệt lăng quăng, bọ gậy; (2) Triển khai ngay hoạt động vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, lăng quăng trong và xung quanh khuôn viên các hộ gia đình bằng cách thu gom, dọn dẹp, lật úp các dụng cụ phế thải chứa nước, thả cá trong các chậu cây cảnh, bể nước, che đậy các phuy chứa nước, bỏ cát, muối, hóa chất diệt bọ gậy hoặc che đậy kín các lốp xe... với mục đích không để đọng nước tạo điều kiện cho muỗi Vằn sinh sản và phát triển. Yêu cầu hoạt động này phải được thực hiện định kỳ theo quy định (ít nhất 01 tuần/lần tại các khu vực có ổ dịch, nguy cơ cao và các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng, bọ gậy cao, 02 tuần/lần tại các khu vực còn lại).

- Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương thực hiện công tác truyền thông, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá kết quả diệt bọ gậy/lăng quăng của các hộ gia đình được phân công phụ trách và trực tiếp tham gia xử lý các ổ bọ gậy/lăng quăng tại các khu vực công cộng.

- Đẩy mạnh công tác truyền thông qua nhiều kênh thông tin, tuyên truyền cho người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống muỗi đốt; thường xuyên đăng tải các bài viết về phòng, chống dịch Sốt xuất huyết trên các phương tiện truyền thông, nhất là các trang mạng xã hội; truyền thông rộng rãi để người dân biết về: Lịch phun, hướng dẫn các hộ gia đình, cơ quan phối hợp chuẩn bị phun (dọn dẹp, che đậy bảo vệ thực phẩm, chim cá cảnh, vật nuôi) đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi, các ổ bỏ gậy nguồn để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy.

- Cân đối nguồn kinh phí địa phương, hỗ trợ cho hoạt động vãng gia của cộng tác viên thực hiện công tác diệt lăng quăng, bọ gậy; kinh phí cho người tham gia phun hóa chất xử lý dịch trên địa bàn.

- Chỉ đạo công tác ra quân vệ sinh môi trường trên địa bàn.

Nhận định, dự báo trong thời gian tới, nguy cơ SXHD trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ lây lan trong cộng đồng và gây bệnh là rất lớn do bước vào những tháng cao điểm mùa dịch và thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.


Tác giả: Trần Thanh Tuyền
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 715
Năm 2024 : 689.234
Website huyện