Lễ hội Lồng Tồng huyện Krông Nô năm 2023
Sáng ngày 31/01/2023, tức ngày mùng 10 tháng Giêng năm Quý Mão. Uỷ ban nhân dân huyện Krông Nô tổ chức phục dựng Lễ hội Lồng tồng huyện Krông Nô năm 2023.
Đến dự Lễ hội có đồng chí Nguyễn Tấn Bi- Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Krông Nô; Đồng chí Bùi Ngọc Sơn, Phó bí thư Huyện uỷ- Chủ tịch UBND huyện. Cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc huyện.
Lễ hội Lồng tồng hay còn gọi là Lễ hội xuống đồng là một trong những lễ hội nổi tiếng của đồng bào dân tộc Tày và cũng là nét văn hóa đặc trưng của tộc người Nùng, Dao, ... Lễ hội mang dấu ấn tín ngưỡng phồn thực, là hoạt động tín ngưỡng cầu mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu. Lễ hội được khởi nguồn từ trong cộng đồng của người Tày và thường được tổ chức ở những ruộng đất tốt nhất, to nhất trong bản làng. Đây không chỉ là sự chắt lọc tinh hoa văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Tày- Nùng nói riêng mà đó là cả một quá trình nỗ lực trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của bà con đồng bào, là sự đoàn kết keo sơn trong cộng đồng các dân tộc.
Đ/c: Nguyễn Nguyễn Tấn Bi - Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Krông Nô đánh trống khai hội.
Phần Nghi lễ cúng do những thầy cúng am hiểu về truyền thống của dân tộc mình tiến hành. Lễ khấn cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Mâm cúng đầy đủ có gà luộc, bánh chưng, thịt lợn, trứng luộc nhuộm phẩm màu, xôi đỏ và xôi vàng tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, âm dương thể hiện những mơ ước, khát vọng cuộc sống ấm no, sinh sôi nảy nở của người dân gửi gắm. Ngoài ra, trên mỗi mâm cỗ đều có các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh giầy, chè lam, bánh hình bông hoa nhiều màu sắc…
Ảnh: Mâm cỗ cúng thần linh
Kết thúc những nghi lễ quan trọng nhất của của phần lễ thì phần hội với nhiều trò chơi dân gian truyền thống thu hút mọi người tham gia. Trò chơi phải nhắc đến đầu tiên trong lễ hội Lồng Tồng là trò tung còn. Ở giữa ruộng lớn người ta dựng một cây tre cao từ 20-30 cm làm cột. Trên đỉnh cột uốn vòng tròn đường kính 60 cm dán hai chữ Nhật – Nguyệt tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời. Trong lễ hội nếu không ai tung trúng vòng tròn thì dân bản không vui vì theo quan niệm nếu làm rách giấy ở vòng tròn thì năm đó mới làm ăn thuận lợi. Ngoài ra, phần hội còn diễn ra các trò chơi truyền thống khác như: kéo co, nhảy bao bố, Gánh nước đi cầu khỉ, Trèo cột mỡ, …
Cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Krông Nô nói chung và dân tộc Tày- Nùng nói riêng từ bao đời nay vẫn luôn luôn đặt niềm tin tưởng vào tín ngưỡng vạn vật hữu linh, bà con trong nơi đây tin rằng, dân làng đã đền ơn, đáp nghĩa thần linh thông qua nghi lễ thì thần linh sẽ luôn mang đến cho bà con sự ấm no, khoẻ mạnh, vì thế, ý nghĩa của nghi lễ này đã mang đến một tư tưởng yên tâm, vui tươi, thoải mái cho mọi người.
Một số hình ảnh tại lễ hội:
Gánh nước đi cầu khỉ
Thi trèo cột mỡ
Trò chơi Lày cỏ