Vai trò của giun đất trong sản xuất nông nghiệp và một số biện pháp duy trì, bảo vệ giun đất.
Giun đất là loài động vật lưỡng tính vô cùng quan trọng đối với hệ sinh thái và sản xuất nông nghiệp. Chúng có vai trò rất lớn trong việc xử lý mùn bã hữu cơ, làm sạch và lưu thông khí và nước trong đất; chuyển hóa, cung cấp dinh dưỡng cho đất, hỗ trợ và phát triển hệ động thực vật.
Giun đất là động vật ruột khoang, không có xương sống. Môi trường sống của chúng ở trong lòng đất, nhất là những nơi đất mát mẻ, có độ ẩm và tơi xốp. Thân của giun đất có nhiều đốt và có khả năng co giãn. Điều này giúp con vật chui rúc trong đất một cách dễ dàng. Bề mặt da của con giun đất khá mềm và ẩm ướt. Chúng hô hấp qua da. Thức ăn yêu thích của giun đất là mùn hữu cơ. Giun đất được phân thành ba nhóm lớn:
Giun đất phân hủy và xử lý chất thải nông nghiệp hiệu quả. Ảnh: Agroecologyaz
Nhóm thứ nhất là giun đỏ hay còn gọi là giun ăn phân (trùn quế). Chúng ăn ở trên bề mặt đất, chủ yếu phân giải chất hữu cơ, chất thải của động vật, có tác dụng rất tốt trong việc phân hủy chất hữu cơ nhưng ít có tác dụng cải tạo thành phần cơ giới đất vì chủ yếu sinh sống ở trên bề mặt. Có hàm lượng dinh dưỡng cao nên được dùng làm thức ăn trong chăn nuôi và phân bón cho cây trồng. Các cơ sở nhân nuôi đa số đang tập trung cho nhóm giun đỏ này.
Nhóm thứ hai là giun đào đất hay còn gọi là giun mồi câu, thường có kích thước lớn. Chúng ăn tất cả những gì trên đường chúng đào hang, kể cả chất hữu cơ và chất khoáng rồi thải phân trong đất. Nhóm này có vai trò quan trọng nhất trong cải tạo thành phần cơ giới đất, làm đất tơi xốp, giữ ẩm, thoát nước tốt. Nếu đất màu mỡ sẽ có thể có 300 đến 500 con giun đất/m2. Nói đến tác dụng trong nông nghiệp phải nói đến loài giun này. Khi giun đất làm đất tơi xốp, thoáng khí và phì nhiêu hơn thì cây trồng sẽ phát triển tốt hơn và cho năng suất cao hơn. Hệ vi sinh có lợi trong đất có hoạt động sinh học cao sẽ tiêu diệt các vi sinh gây bệnh và giúp cây trồng được bảo vệ tốt nhất.
Trong chăn nuôi, giun đất là nguồn thức ăn rất tốt cho các loại gia súc, gia cầm như gà, vịt, lợn, trâu,…vì trong loài vật này có chứa tới 70% đạm thô nhưng lại không hề chứa các chất độc hại. Lượng protein có trong giun đất không hề thua kém so với protein có trong các loại thịt, cá. Ngoài ra theo tài liệu y học, một số loài trong nhóm trùn đào đất có chứa những hoạt chất có tác dụng phá huyết, chống co giật, kháng histamin, làm giãn mạch nội tạng và hạ áp chậm nhưng lâu dài, làm giãn phế quản và hạ cơn hen cấp, an thần và hạ thân nhiệt… Chính vì vậy chúng có tên trong thành phần của nhiều bài thuốc đông y (gọi là địa long).
Nhóm thứ ba ít hơn là giun ăn khoáng. Chúng chủ yếu ăn khoáng chất trong đất, vai trò cải tạo đất không bằng nhóm giun đào hang.
Như vậy có thể thấy, giun đất có vai trò rất lớn trong sản xuất nông nghiệp. Đất đai sẽ trở nên màu mỡ, phì nhiêu hơn nhờ có giun đất.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có nhiều cá nhân sử dụng kích điện để đánh bắt giun đất tại 5/9 huyện, thị xã, thành phố và có 17 cơ sở thu mua, sơ chế giun đất. Đây là hoạt động huỷ diệt giun đất và các vi sinh vật khác trong đất, làm giảm lượng đất canh tác gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, ảnh hưởng xấu tới sinh trưởng phát triển của cây trồng; cũng là hoạt động nguy hiểm, dễ gây tại nạn ảnh hưởng đến tính mạng con người.
Duy trì và bảo vệ giun đất là cần thiết trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Ngành nông nghiệp & PTNT tiếp tục phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan chuyên môn tăng cường tuyên truyền, ngăn chặn việc người dân kích giun đất. Tuyệt đối không sử dụng thiết bị kích điện, hóa chất để bắt giun đất; không tham gia thu mua, sơ chế giun đất. Khuyến khích cộng đồng dân cư đưa hành vi kích điện, sơ chế mua bán giun đất vào hương ước, quy ước của xóm, thôn bản. Không để tình trạng bắt giun đất ngày càng mở rộng, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và hệ sinh thái tự nhiên.
Một số biện pháp để duy trì và bảo vệ giun đất
Trồng trọt theo hướng hữu cơ: Các loại thuốc bảo vệ thực vật sẽ khiến giun đất bị nhiễm độc và chết. Do đó nên hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc hóa học. Thay vào đó có thể sử dụng các loại thuốc sinh học. Như vậy sẽ không gây hại cho giun đất và cũng tốt cho sức khỏe con người.
Tạo thảm cỏ nền và cây bụi thấp: Giun đất cần một môi trường ẩm và có nhiệt độ vừa phải để có thể tồn tại và phát triển. Do đó việc tạo ra một lớp thảm thực vật để che phủ là rất cần thiết. Đồng thời phải đảm bảo nguồn thức ăn cho giun bằng xác cỏ cây chết để lại.
Giữ ẩm cho đất: Mỗi ngày giun đất sẽ sử dụng 20% trọng lượng cơ thể để tạo chất nhầy vào phân. Do đó đó loài vật này cần một lượng nước nhất định để duy trì. Mùn có tác
dụng giữ ẩm trong đất rất tốt. Bởi vậy nên bổ sung các chế phẩm hữu cơ phân hủy vào đất để tạo môi trường sống phù hợp cho loài vật này.
Duy trì độ PH đất trung tính: Giun đất không phù hợp sống trong môi trường đất chua với độ pH dưới 4,5. Bởi vậy cần điều chỉnh pH về trung tính để giun đất phát triển
nguồn: https://snnptnt.laocai.gov.vn