NÚI LỬA NÂM B’LANG ĐƯỢC XẾP HẠNG DI TÍCH DANH LAM THẮNG CẢNH QUỐC GIA
Ngày 12/3/2024, Bộ trưởng Bộ VHTTDL vừa ký Quyết định số 611/QĐ –BVHTTDL xếp hạng Di tích danh lam thắng cảnh quốc gia đối với núi lửa Nâm B'Lang tại xã Buôn Choáh và xã Nâm Đà, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.
Ngọn núi lửa Nâm B’lang ( ảnh: Hà Việt)
Theo đó, Khu vực bảo vệ di tích được xác định theo biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ. UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng tại Quyết định này, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Theo hồ sơ di tích tỉnh Đắk Nông: Danh lam thắng cảnh núi lửa Nâm B’Lang nằm trên địa bàn xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Tên gọi “Nâm B’Lang” là tên của một ngọn núi lửa Nâm B’Lang thuộc xã Buôn Choah, huyện Krông Nô phát nguyên từ tên gọi (đặt tên) của người dân tộc thiểu số M’nông và Ê-đê. Theo ngôn ngữ của người dân tộc M’nông Preh, "Nâm B’Lang" có nghĩa: “Nâm” là núi, “B’Lang” là tên một loài hoa rừng, cụm từ “Nâm B’Lang” có nghĩa là núi hoa B’Lang, còn theo ngôn ngữ của người dân tộc Ê đê thường gọi "Chư B’Luk" hay “Chư R’Luh”; Âm “Chư” có nghĩa là “Núi”; chữ “B’Luk” là cội nguồn và chữ “R’Luh” là sụt lún. Như vậy tên gọi “Chư B’Luk” có nghĩa là núi cội nguồn, từ xa xưa người Ê đê gọi “Chư B’Luk” gọi là “Núi Cội Nguồn” được coi là một phần rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Ê đê và tên gọi “Chư R’Luh” người dân tộc Ê đê cho rằng trước đây ngọn núi này cũng có đỉnh nhọn như những ngọn núi khác nhưng vì một lý do nào đó nó đã bị sụt lún, nên đỉnh núi bị lõm xuống hình lòng chảo .
Với cách phát âm và ngôn từ của người M’nông, Ê đê gọi địa danh núi lửa “Nâm B’Lang, Chư B’Luk và Chư B’Luh” tuy có khác nhau nhưng người dân tộc thiểu số ở nơi đây và người dân địa phương đều hiểu và biết đến tên địa danh này. Tuy nhiên, vào những năm gần đây, người dân địa phương ở nơi đây gọi địa danh này là núi lửa Nâm B’Lang. Bởi vì, địa danh này được người M’nông Preh vùng núi lửa (thuộc xã Buôn Choah) rất coi trọng cây BLang, họ tin mỗi cây có một vị thần linh cư ngụ, lên họ gọi vùng núi lửa này là Nâm B’Lang (núi hoa B’Lang) – nơi cư trú của các vị thần linh và được ví như “trái tim của cánh đồng dung nham”, có niên đại hàng triệu năm tuổi của vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Hang C8- núi lửa Nâm B’lang
Hang động núi lửa Nâm B’lang có giá trị to lớn về mặt di sản địa chất, văn hóa, lịch sử, địa lý… Đây cũng là khu vực chính của Công viên địa chất Đắk Nông đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 7.2020. Cách đây hơn 3.700 năm, núi lửa Nâm B’Lang đã phun trào dung nham với sức nóng lên tới 1.200 độ C và chính dòng chảy đó đã kiến tạo những hang động lớn nhỏ khác nhau ở vùng đất này. Nơi đây được các nhà nghiên cứu khoa học đánh giá tổng thể, do vận động kiến tạo của vỏ trái đất đã tạo nên một hệ thống hang động núi lửa độc đáo, được đánh giá là có chiều dài, đồ sộ và độc đáo nhất khu vực Đông Nam Á.
Cũng tại đây vào cuối tháng 11.2022, các chuyên gia quốc tế vừa khám phá ra một nhánh hang mới thuộc hang C7 với chiều dài được xác lập chính thức là 199m. Theo đánh giá của các nhà khoa học, các cửa hang núi lửa tại Đắk Nông là kiểu nguyên sinh tiêu biểu, được hình thành do hiện tượng thoát khí của dòng/ống dung nham.
Hệ thống dung nham được xác định chỉ liên quan đến núi lửa Nâm Blang thuộc xã Buôn Choáh (Krông Nô). Ảnh: Ban Quản lý CVĐCTC Đắk Nông
Theo đó, Nhờ thừa hưởng những ưu đãi đặc biệt từ vùng đất núi lửa, lúa gạo trồng ở huyện vùng sâu Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) có hương vị thơm ngon đặc trưng riêng có. Nằm giữa dòng sông cha Krông Nô và miệng núi lửa Nâm B'lang thuộc xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, là cánh đồng rộng hàng nghìn ha màu mỡ. Vùng đất huyền thoại với những truyền thuyết, sử thi bí ẩn… giờ đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn và những loại gạo ngon nức tiếng./.